Nguồn tin: Báo Nam Định, 19/10/2017
Ngày cập nhật:
19/10/2017
Tôm thẻ chân trắng, tôm sú là các đối tượng nuôi chủ lực của vùng nuôi thủy sản mặn lợ của tỉnh Nam Định. Hiện diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt khoảng 3.800ha, trong đó có hơn 700ha nuôi tôm thẻ chân trắng, hơn 3.000ha nuôi tôm sú. Nuôi thâm canh chủ yếu là giống tôm thẻ chân trắng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, bán thâm canh chiếm 99% tổng diện tích nuôi và chỉ có 1% nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh. Trong khi đó, nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại 98% là nuôi quảng canh cải tiến. Theo các kỹ sư thủy sản đánh giá, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi quảng canh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại các xã Giao Thiện, Giao Phong (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều, Hải Hòa (Hải Hậu); Nam Điền, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng)… Nuôi thâm canh thả tôm giống mật độ 50-80 con/m2. Hầu hết các hộ nuôi bước đầu đã thực hiện nghiêm các bước trong quy trình nuôi. Công tác cải tạo ao đầm, xử lý nước trước khi đưa vào nuôi đã được chú trọng. Qua các lớp tập huấn do các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT như: Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức đã nâng cao rõ rệt trình độ kỹ thuật của người nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả, năng suất cao như các ông Hoàng Đức Thiện, Trần Văn Thiêm, xã Hải Triều (Hải Hậu); Trần Hữu Lợi, Nguyễn Văn Khương, xã Giao Thiện (Giao Thủy)… Hộ ông Hoàng Đức Thiện có hơn 20ha ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm thu hoạch khoảng 80 tấn tôm. Ông Thiện cho biết: “Để nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, tôi đã đầu tư kiến thiết ao, xây dựng hệ thống cấp và tiêu nước, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc… nên việc quản lý dễ dàng hơn. Không những thế, nuôi tôm thâm canh thời gian nuôi ngắn, chỉ 2-3 tháng là đã có thể thu hoạch, nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt hiệu quả, năng suất cao”. Hay hộ ông Vũ Văn Hinh, xóm 7, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) có 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều năm trước ông nuôi bằng hình thức quảng canh, nhưng năng suất thấp nên thu nhập nhỏ giọt, lúc thì trúng mùa, lúc thất bát rất khó đoán. Năm 2015, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương ông chuyển sang nuôi thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị đầy đủ và không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi nên toàn bộ diện tích tôm thẻ chân trắng hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh. Năm nay ông dự kiến thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Vệ sinh nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại hộ ông Trần Văn Nguyên, xã Giao Thiện (Giao Thủy).
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, phát triển nuôi tôm thâm canh hiện còn gặp không ít khó khăn. Nhiều người nuôi tôm chưa chú trọng lựa chọn con giống chất lượng mà ham rẻ, mua tôm giống trôi nổi, không đảm bảo, nên ảnh hưởng đến chất lượng vụ nuôi. Ngoài ra, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất còn cao, đòi hỏi kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất; nguồn điện phải ổn định trong suốt quá trình nuôi; tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ. Nhiều hộ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch nên không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật do Bộ NN và PTNT đề ra đối với vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh như không nằm trong vùng nuôi tập trung đã được quy hoạch, không có ao lắng, ao chứa, không có nguồn cấp, thoát nước riêng biệt. Các cơ sở nuôi không đáp ứng yêu cầu nuôi thâm canh chủ yếu ở các xã Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy)… Không những thế, hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, liên tục xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đàn tôm. Khi mưa lớn, nước trong các ao, đầm nuôi tôm thường bị phân tầng làm cho ô-xy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao, khiến tôm dễ bị sốc do thiếu hụt ô-xy.
Để đảm bảo nuôi tôm thâm canh bền vững và bảo vệ chăm sóc cho tôm trong ngày mưa, ngoài việc rải vôi và các khoáng chất cần thiết để cân bằng độ pH trong nước ao, các cơ quan chức năng còn khuyến cáo người nuôi tăng cường quạt nước để ổn định lượng ô-xy trong ao nuôi, giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong và sau những cơn mưa lớn. Khuyến khích nuôi với mật độ thưa. Mỗi năm thả nuôi 1 vụ đối với tôm sú và 2 vụ đối với tôm thẻ chân trắng. Khi nuôi phải có ao ương, ao lắng riêng. Cần đầu tư, nạo vét hoàn chỉnh hệ thống kênh mương định kỳ, đầu tư hệ thống lưới điện, các trạm bơm. Thực hiện tốt công tác cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, tránh tình trạng nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến rủi ro, thiệt hại. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các loại vật tư nông nghiệp đầu vào, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy trình nuôi tôm thâm canh, cập nhật các công nghệ nuôi tiên tiến, đẩy mạnh đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi…
Hình thức nuôi tôm thâm canh đang được người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi, phát triển nhanh, đạt năng suất cao, bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay nên có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.