Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 25/10/2017
Ngày cập nhật:
30/10/2017
Trong những năm qua, nhờ thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng khả quan và chuyển dịch tích cực theo hướng thâm canh, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Cán bộ Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc kiểm tra chất lượng con giống trước khi cung ứng ra thị trường. Ảnh: Chu Kiều
Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt gần 7.000ha. Xác định phát triển thủy sản theo hướng thâm canh bền vững sẽ góp phần quan trọng tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất thủy sản trong tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng, các địa phương tích cực triển khai để thúc đẩy phát triển thủy sản, trong đó, tập trung rà soát và tổ chức cải tạo các vùng trũng để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình điểm nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh với các loại giống cá mới như rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, chép lai 3 máu, từ đó làm cơ sở để nhân rộng ra toàn tỉnh; tăng cường hỗ trợ về giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ…
Các biện pháp trên giúp người dân thay đổi tập quán nuôi trồng thủy sản từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh; mạnh dạn đầu tư đưa các giống mới vào sản xuất, sử dụng thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp trong nuôi cá; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về con giống, về thức ăn, chăm sóc, quản lý và phòng, chống dịch bệnh.
Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 30% tổng diện tích. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 2,7 lần, năng suất tăng 2,4 lần và tổng sản lượng thủy sản đạt gần 18 nghìn tấn, tăng 6,4 lần so với năm 1997. Riêng 9 tháng năm 2017, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 13.000 tấn.
Giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 10%/năm. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điển hình như: Ông Dương Văn Đề, xã Bá Hiến (Bình Xuyên); anh Vũ Trung Học, thị trấn Thổ Tang, anh Mai Văn Hoàng, xã Phú Đa (Vĩnh Tường); anh Nguyễn Văn Đức, xã Tam Hồng (Yên Lạc); ông Nguyễn Xuân Trường, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch)…
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên trên thực tế việc phát triển thủy sản ở tỉnh ta trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Giá trị ngành thủy sản trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp còn thấp; năng suất, sản lượng chưa cao, năng suất thủy sản của tỉnh mới đạt 2,6 tấn/ha, trong khi đó năng suất bình quân của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng đã đạt 5 tấn/ha.
Kỹ thuật nuôi cá thâm canh của nhiều hộ nông dân còn hạn chế, chưa tính được cơ cấu, mật độ đàn cá phù hợp; sức đầu tư của các hộ nuôi trồng thủy sản chưa cao; nhiều hộ chưa có biện pháp xử lý môi trường, dẫn đến môi trường nuôi thủy sản ngày càng ô nhiễm; việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận còn chưa rộng rãi...
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Trần Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, công nghiệp, giảm dần diện tích nuôi quảng canh; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô diện tích lớn, áp dụng các quy trình thực hành nuôi thủy sản tốt trong nông nghiệp.
Người dân cần khai thác, cải tạo các diện tích nước ngọt sông, hồ chứa, ao đầm, ruộng trũng hiện có để phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi lúa - cá và những vùng nuôi lúa - cá sang nuôi chuyên cá; nhân rộng các hình thức nuôi trồng thủy sản theo mô hình liên kết chuỗi; tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra...
Nguyễn Khánh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.