Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 06/02/2017
Ngày cập nhật:
8/2/2017
Năm 2016 là năm đầy khó khăn và biến động đối với ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng. Ngay từ đầu năm, tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Những tháng giữa năm, sự cố môi trường Formosa đã khiến cho hàng vạn ngư dân các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phải khốn đốn. Vào những tháng cuối năm, tình trạng mưa lũ trên diện rộng lại tiếp tục gây thiệt hại lớn cho các tỉnh ven biển miền Trung và các tỉnh như Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp.
Song với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự chủ động của nông ngư dân trong công tác phòng chống thiên tai, dịch hại, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp đề ra trong năm. Kết quả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, trong đó thủy sản đạt kim gạch xuất khẩu là 7,1 tỷ USD, tăng hơn so với năm 2015 là 8%.
Để đạt được thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của các Dự án khuyến ngư đã thực hiện trong năm, kết quả cụ thể như sau:
1. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”:
Dự án đã xây dựng được 9 mô hình tại 9 tỉnh, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang, với quy mô là 18 ha. Ao nuôi tôm áp dụng VietGAP đã cho thu hoạch với năng suất đạt trung bình là 11,5 tấn/ha (không mô hình nào bị dịch bệnh), sau khi trừ mọi chi phí đã thu lãi từ 600 - 850 triệu đồng/ha. So với mô hình nuôi tôm khác, thì mô hình áp dụng VietGAP đã làm tăng tỷ lệ sống, tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn và hạn chế bệnh dịch, giá bán cao hơn ngoài mô hình từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, từ đó lợi nhuận đã tăng trung bình là 30%. Tại các cuộc hội thảo, mô hình được đông đảo người dân quan tâm nhân rộng do hạn chế dịch bệnh, không có tác động xấu đến môi trường nuôi và sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được các doanh nghiệp lựa chọn bao tiêu sản phẩm.
2. Dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”:
Dự án đã xây dựng được 5 mô hình đánh giá cấp chứng nhận theo VietGAP tại 5 tỉnh, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An, với quy mô là 15 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng đạt được là 256 tấn, hiệu quả tăng cao hơn 20% so với ngoài mô hình, sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm 100%, người nuôi tôm không bị tư thương ép giá, đầu ra ổn định và còn tạo cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Điểm mới của mô hình là gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Với những kết quả đạt được, dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó lợi ích của mô hình được đông đảo người dân học tập và nhân rộng, diện tích nhân rộng đã tăng lên là 100 ha.
3. Hỗ trợ “Xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP”:
Dự án được xây dựng tại 7 tỉnh là Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang. Với những kết quả đã đạt được năm 2015, kết thúc dự án trong năm 2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận VietGAP đạt trên 400 ha. Tăng gấp 10 lần so với năm 2014. Mô hình được đánh giá là thành công lớn, làm giảm chi phí sử dụng thuốc, hóa chất, giảm các chi phí liên quan đến việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, từ đó giảm giá thành sản phẩm từ 10-15% so với các mô hình nuôi không áp dụng VietGAP. Tại các cuộc hội thảo, mô hình đã thu hút được nhiều ngư dân tham quan học tập và áp dụng quy trình này vào cơ sở nuôi của mình, nhân rộng ra thành vùng chuyên canh, nâng cao nhận thức một cách toàn diện, bền vững trong nghề nuôi cá tra thương phẩm tại Việt Nam.
4. Dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống”:
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt 100% kế hoạch đề ra. Các tỉnh xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao như: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre, tỷ lệ sống từ ngao giống cấp I lên cấp II đạt > 50%; số lượng giống của 6 mô hình đạt 844,3 triệu con ngao giống cấp II (yêu cầu của dự án đạt 750 triệu con). Trong khi đó, tỷ lệ sống của ngao giống cấp I lên cấp II của các hộ ngoài mô hình chỉ đạt tối đa 35%. Mô hình cho tỷ lệ sống của ngao thịt cao và giảm giá thành con giống, người nuôi ngao thịt có giá thành sản xuất rất cạnh tranh khoảng 5.000 đồng/kg, người nuôi chỉ cần bán 8.000 đồng/kg là đã có lãi, do đó hiệu quả tăng cao hơn so với ngoài mô hình từ 10-15%; đồng thời còn giúp nông ngư dân tiếp cận với những kỹ thuật tiến bộ trong thời kỳ hội nhập. Kết quả về khả năng nhân rộng của mô hình được đánh giá như sau: Tại Hải Phòng đã nhân rộng được 5 ha, tại Thái Bình 15 ha, Thanh Hóa 143 ha.
5. Dự án “Nuôi tôm càng xanh trên vùng đất chuyển đổi”:
Dự án được triển khai trên diện tích 60 ha, tại 3 tỉnh là Cần Thơ, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Mô hình đã thành công trong việc chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm – lúa cho bà con tại các vùng đất cấy lúa bấp bênh, năng suất thấp sang nuôi kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa đơn thuần từ 2 – 3 lần và tăng khoảng 1,5 lần so với nuôi tôm càng xanh – lúa bình thường. Kết quả năng suất tôm thu được từ mô hình nuôi xen canh đạt 650kg/ha/vụ; mô hình nuôi luân canh đạt 1,7 tấn/ha/vụ, và đã nâng mức thu nhập cho nông dân lên trên 250 triệu đồng/ha. Tôm nhanh lớn, không dịch bệnh được nông dân hưởng ứng và nhân rộng nhanh sang các vùng lân cận.
6. Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác xa bờ”:
Dự án đã đem lại lợi nhuận cao cho chủ tàu và các thuyền viên. Sau khi lắp máy dò ngang SONAR trên tàu khai thác xa bờ, năng suất nhiều tàu tăng lên hơn 200%, hiệu quả tăng cao do tiết kiệm thời gian đi tìm đàn cá và rút ngắn thời gian đi biển. Các tàu khai thác xa bờ khi áp dụng đóng hầm bảo quả bằng vật liệu PU làm giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25 - 30% xuống còn 15%. Đặc biệt cá được bảo quản bằng hầm mới nên đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn hầm cũ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hầm bảo quản mới có tuổi thọ cao hơn 4 - 5 lần hầm bảo quản truyền thống. Hiện nay đang được các chủ tàu áp dụng rất nhiều.
Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm qua, trong năm 2017 này, các dự án khuyến ngư tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra bền vững với mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân, kết hợp với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trương sẽ thực hiện đồng bộ với công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao và thông tin tuyên truyền để một người làm, hàng ngàn người biết học tập và nhân rộng.
Kim Văn Tiêu (PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.