Nguồn tin: Báo An Giang, 30/10/2017
Ngày cập nhật:
31/10/2017
Đây được xem là sự năng động của lực lượng thương lái trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua. Việc này nhắm vào 2 mục tiêu, vừa mở rộng thị trường, nâng cao thị phần, tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) cho tỉnh, vừa góp phần tiêu thụ lượng cá nuôi cho nông dân (ND), thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp.
Đa dạng thị trường
“Nếu cá nuôi của ngư dân không XK được, đời sống của bà con sẽ gặp khó. Kim ngạch XK giảm, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chậm lại và rất nhiều vấn đề khác nảy sinh. XK cá nuôi của nông dân trong tỉnh không chỉ có cá tra, mà chúng tôi đã đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường và hình thức XK, góp phần tiêu thụ sản lượng lớn cá nuôi của ND ĐBSCL. Việc XK này có lợi cho nhiều phía, những người làm XK trực tiếp có lời, ngư dân duy trì được nghề nuôi, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn…”- ông Phan Văn Bình, thương nhân XK cá sang Campuchia (CPC) chia sẻ.
Theo ông Bình, tính đến thời điểm này, các loại cá nuôi, ngoài cá tra đã xuất đi được 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, các loại cá khác mà ngư dân thường gọi là cá chợ như: Cá lóc, điêu hồng, cá he, cá rô, cá rô phi, cá trê đã xuất mạnh vào thị trường CPC, Trung Quốc, Hồng Kông và nhiều quốc gia khác. Nếu thương lái trong tỉnh xuất mạnh cá nuôi sang thị trường CPC thì tại các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, lực lượng thương lái đã xuất cá chợ rất mạnh sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Như vậy, về phía thị trường, năm 2017 được xem là năm mà các thương lái trong và ngoài tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao thị phần XK cho các loài thủy sản được nuôi trong tỉnh nói riêng, ĐBSCL nói chung. “Hội nhập kinh tế quốc tế cho chúng ta rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội đưa sản phẩm thủy-hải sản của ND ĐBSCL thâm nhập sâu vào các thị trường. Chỉ tính riêng con lươn, cá rô phi, cá he, nếu ND tuân thủ quy trình nuôi an toàn, nghĩa là không còn tồn dư các chất kháng sinh cấm, các đối tượng này xuất được rất nhiều vào các quốc gia khác nhau, phục vụ cho người nước ngoài lẫn Việt kiều tại các quốc gia nhập khẩu. Đơn cử, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, lươn nuôi là sản phẩm có giá bán vào thị trường này rất cao, đi kèm với đó là quy trình nuôi phải đảm bảo không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các loại kháng sinh cấm thì mới được” - ông Lê Văn Tiến, thương nhân XK lươn vào Nhật Bản chia sẻ.
Thương lái mua và phân loại cá để đưa sang Campuchia tiêu thụ. Ảnh: MINH HIỂN
Tổ chức lại sản xuất
9 tháng của năm 2017, diện tích thủy sản thu hoạch đạt 1.576 héc-ta, bằng 103,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng, thu hoạch khoảng 269.020 tấn, bằng 102,4% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá 267.302 tấn, bằng 102,4%, tôm đạt 99 tấn, bằng 68,2%; thủy sản khác đạt 1.619 tấn... Nhìn lại diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thì đối tượng cá tra vẫn là chiếm ưu thế, vì đây là ngành hàng mà các DN đã xuất trong 20 năm qua, nhiều nước và châu lục nhập khẩu trên thế giới như Hoa kỳ, EU, Châu Á đã trở thành khách hàng truyền thống. Riêng các đối tượng thủy sản khác như: Cá lóc, rô phi, lươn, cá nàng hai, cá trê... diện tích nuôi cũng tương đối nhưng đa phần chỉ phục vụ cho nội địa và các thị trường gần như: CPC và Trung Quốc. Còn vào thị trường Nhật Bản và các quốc gia Châu Âu gặp phải các rào cản kỹ thuật, vì vậy quy mô phát triển vẫn còn hạn chế.
Tổ chức lại sản xuất để các loài cá chợ được đi xa hơn, là câu chuyện đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp. Bởi, thị trường không thiếu nhưng chỉ thiếu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị trường từ dễ tính đến khó tính. “Ngày nay, có thể nói, tất cả các loài thủy sản nuôi đều có thể bán được trên thị trường thế giới. Từ con cá rô phi, tôm càng xanh đến lươn, cá lóc... đều tiêu thụ được. Cụ thể, cá rô phi, thế giới có một thị trường tiêu thụ rất lớn, tuy nhiên về lợi thế so sánh, giá thành nuôi và chế biến sản phẩm này thì chúng ta khó cạnh tranh nổi với quốc gia lân cận như Trung Quốc. Vì vậy, tùy vào đối tượng nuôi và điều kiện sản xuất, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất theo quy trình, để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, chất lượng, được quốc gia nhập khẩu chấp nhận” - ông Tiến chia sẻ thêm.
XK cá chợ vào CPC ngày càng tăng, từ 30 tấn/ngày (năm 2000) lên 50 tấn/ngày (2010) và nay khoảng 100 tấn/ngày, điều này cho thấy, thị trường có nhu cầu rất lớn và thị phần đang nâng dần. Tuy nhiên, nếu không tổ chức lại sản xuất để sản phẩm XK có chỉ dẫn địa lý, các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì XK các mặt hàng cá chợ sẽ khó phát triển trong thời gian tới, bởi thị trường nào bây giờ cũng đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, hợp vệ sinh.
“Cái khó trong XK cá chợ vào thị trường các nước hiện nay vẫn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. DN nhập khẩu hoặc quốc gia nhập khẩu luôn đòi hỏi lô hàng phải có xuất xứ hàng hóa, chứng nhận của cơ quan chức năng nước sở tại và phải đảm bảo sản phẩm không tồn dư các loại hóa chất cấm như: Ciprofloxacin, Amoxicillin, Malachite Green…” - bà Trần Thị Lài, thương nhân xuất khẩu cá sang CPC chia sẻ.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.