• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác lợi thế lúa - cá vùng Tứ giác Long Xuyên

Nguồn tin: Báo An Giang, 31/10/2017
Ngày cập nhật: 1/11/2017

Trước tác động của biến đổi khí hậu, vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) sẽ đối mặt nhiều thách thức. Tuy vậy, nếu có sự liên kết đồng bộ trên tinh thần thống nhất, đồng thuận cao, lợi thế của vùng sẽ được phát huy, kỳ vọng tạo ra sự phồn thịnh cho “vựa lúa”, “vựa cá” của ĐBSCL và cả nước.

Nhiều lợi thế

TGLX là một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của ĐBSCL và cả nước, tổng diện tích hơn 500.000 héc-ta, thuộc các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Mỗi năm, TGLX cung cấp khoảng 5 triệu tấn lúa, gạo cùng nguồn lợi thủy sản phong phú. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho biết, TGLX có chức năng điều tiết thủy văn quan trọng cho toàn vùng ĐBSCL.

So các địa phương khác, An Giang là tỉnh có diện tích đất nằm trong vùng TGLX lớn nhất (chiếm hơn 245.000 héc-ta). An Giang có vị trí đặc biệt khi nằm ở đầu nguồn, tiếp giáp với sông Hậu và Campuchia, nhận nước trực tiếp từ sông Hậu và nước tràn đồng từ cánh đồng ngập lũ Takeo (Campuchia). Tỉnh có thế mạnh về nuôi thủy sản nước ngọt, có nhiều cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia nằm trên địa bàn. Đứng thứ 2 về diện tích trong vùng TGLX là tỉnh Kiên Giang (hơn 239.000 héc-ta). Với điều kiện sinh thái rất đa dạng, TGLX đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, trong đó nông, lâm, thủy sản được xác định là thế mạnh.

Với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu, tỉnh Hậu Giang nằm trong khu vực trung chuyển giao lưu giữa các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang với đô thị trung tâm Cần Thơ, thông qua nhiều tuyến giao thông thủy bộ quan trọng. Tiềm năng kinh tế của Hậu Giang khá phong phú, đa dạng với nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu. Trong khi đó, TP. Cần Thơ có vị trí trung tâm của cả ĐBSCL, có nước ngọt quanh năm, có cảng lớn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản. Cần Thơ còn là trung tâm về công nghiệp, tài chính, thương mại, đóng góp nguồn nhân lực quan trọng cho toàn vùng.

Khắc phục thách thức

Đi kèm với tiềm năng, lợi thế là những tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân vùng TGLX. Những tác động này ngày càng rõ nét, điển hình như hiện tượng El Nino cực đoan năm 2015 - 2016 làm mực nước đỉnh lũ sông Mê Kông năm 2016 ở ĐBSCL thấp kỷ lục từ năm 1926 đến nay, gây hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Vụ đông xuân 2016 – 2017 mới đây, ảnh hưởng mưa trái mùa vào mùa khô, đặc biệt là hiện tượng La Nina (yếu) đã gây thiệt hại cho hoa màu và lúa. Trong khi đó, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao vào mùa khô đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người, năng suất hoa màu, sức khỏe cây trồng, vật nuôi và sức khỏe hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Lâm Quang Thi cho biết, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, vùng TGLX đối mặt khó khăn khi nhiều đập thủy điện xuất hiện. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng xong 7 đập trên dòng chính sông Mê Kông ở phía thượng nguồn. Số liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) cho biết, so sánh năm 1992 và 2014, tổng tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Dự báo sau khi có thêm 11 đập thủy điện ở phía hạ lưu vực (9 ở Lào và 2 ở Campuchia), tổng lượng phù sa sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Cùng với đó, 100% cá trắng ở ĐBSCL sẽ biến mất do các đập ngăn cản các loài cá bơi ngược dòng về thượng nguồn để sinh sản.

Theo các nhà nghiên cứu, thời gian qua, mỗi tỉnh trong tiểu vùng TGLX theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng lẻ, dẫn đến chồng chéo và mâu thuẫn trong phát triển. Thấy được bất cập này, Chính phủ đã chủ trương xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX. ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước và hệ sinh thái ở ĐBSCL, cho rằng, nếu việc liên kết đảm bảo sự phát triển bền vững cả 3 mặt là kinh tế, xã hội và môi trường thì trong tương lai, TGLX sẽ là vùng đất phồn thịnh, đáng sống của người dân với thu nhập tăng cao, bộ máy chính quyền thân thiện, phục vụ, kiến tạo, môi trường trong lành, xanh - sạch - đẹp…

Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX là một nỗ lực lâu dài, trong đó chia thành từng giai đoạn thực hiện 5 năm. Sắp tới, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên tỉnh về liên kết vùng sẽ được thành lập. Thành viên BCĐ gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng TGLX. Các thành viên BCĐ sẽ bầu ra Trưởng BCĐ cho nhiệm kỳ 5 năm để triển khai nhiệm vụ thống nhất, đảm bảo đề án đạt mục tiêu đề ra.

HOÀNG XUÂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang