• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thủy sản gặp khó sau “thẻ vàng” của EU

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 01/11/2017
Ngày cập nhật: 3/11/2017

Thời tiết cuối năm đánh bắt thuận lợi, nhưng với tình hình giá cả giảm như hiện nay thu nhập anh em ngư phủ dự báo sẽ không cao. Ảnh: M.Phương

Cùng thời điểm “thẻ vàng” của EU có hiệu lực (từ ngày 23-10-2017) đối với thủy sản đánh bắt trên biển của Việt Nam, giá hải sản các loại giảm mạnh ngay tại các cảng cá. Các biện pháp cần ngư dân thực hiện để được EU cấp “thẻ xanh” trở lại dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Giá giảm đồng loạt

Câu chuyện sản phẩm thủy sản Việt Nam bị EU cảnh cáo bằng “thẻ vàng” thử thách trong 6 tháng do không tuân thủ nghiêm các quy định về đánh bắt IUU (chương trình chống các hoạt động bất hợp pháp về đánh bắt, không báo cáo và không được quản lý) đối với nhiều ngư dân và chủ vựa ở 2 cảng cá Ba Tri và Bình Đại, tỉnh Bến Tre, dường như không quan tâm hoặc thậm chí không biết về sự kiện trên. “Giá các mặt hàng đều giảm đồng loạt trong khoảng tuần qua khiến tôi và nhiều ngư dân ở đây thiệt hại mỗi chuyến hàng trăm triệu đồng, nhưng không hiểu sao lại giảm nhanh đến vậy”, anh Phạm Văn Tuấn ở xã An Thủy, huyện Ba Tri - chủ một cặp cào đôi và 2 tàu rỗi (ra biển mua chở về cảng bán lại) nói.

Theo anh Tuấn, tính luôn cả thu mua và đánh bắt khoảng 20 ngày, tàu về cập cảng Ba Tri bán hơn 30 tấn hải sản các loại. Chuyến cách đây khoảng 5 ngày, cá chỉ bán được 12 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 ngàn đồng/kg; cá đổng còn 20 ngàn đồng/kg, giảm 7 ngàn đồng/kg; cá phân hơn 3 ngàn đồng/kg, giảm phân nửa so với chuyến trước; cá bò phân loại làm khô 10 ngàn đồng/kg, còn bình thường trên 15 ngàn đồng/kg; mực khô loại I còn khoảng 460 ngàn đồng/kg, giảm gần 100 ngàn đồng, các loại mực nhỏ hơn cũng giảm tương tự…

“Thường vào các tháng cận Tết Nguyên đán, giá ít giảm sâu và đột ngột như năm nay. Trong khi đó, giá dầu trên 14 ngàn đồng/lít, tăng hơn 2 ngàn đồng, mỗi chuyến cào hơn 3 tháng trên biển tốn hơn 60 ngàn lít dầu. Tuy chưa đến mức lỗ nhưng với đà này, tiền chia cho các thuyền viên cuối năm dự kiến sẽ không nhiều”, anh Tuấn nói.

Giá các mặt hàng hải sản đang bị giảm mạnh. Ảnh: M.Phương

Anh Nguyễn Văn Lá ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, chủ của 4 phương tiện cào đôi chỉ cảm thấy tiếc vì hải sản giá giảm, thất thu. “Ngư dân chúng tôi chỉ có thể đầu tư tàu tải để chở hải sản tươi về cảng sớm bán được giá. Cá muối thời gian ngắn nên không bị mất trọng lượng. Chứ thị trường lên xuống biết đâu mà lần, theo dõi cho biết chứ có thay đổi được gì đâu”, anh Lá nói.

Nhiều chủ vựa tại 2 cảng cá Bình Đại và Ba Tri đưa ra nguyên nhân, do mưa nhiều khiến cho việc buôn bán lẻ tại các chợ, cũng như việc làm khô gặp nhiều khó khăn nên giá giảm sâu. “Năm nào, tháng nào, các chợ ở TP. Hồ Chí Minh ngập lụt, cộng với việc làm khô gặp bão, mưa không phơi được… phải chờ nắng lại giá mới lên cao”, bà C. - chủ vựa tại cảng cá Bình Đại lý giải.

Cần tuân thủ nghiêm các quy định về đánh bắt

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 360 triệu USD. Trong đó cá ngừ, mực, bạch tuộc chiếm hơn 50%, còn lại là các loại cá biển khác. Tính đến hết quý III-2017, tổng giá trị xuất khẩu hải sản và nhuyễn thể hai mảnh vỏ vào thị trường EU đạt gần 240 triệu USD. Từ kết quả thống kê cho thấy, EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam.

Theo cảnh báo của EU, trong thời gian 6 tháng (tính từ ngày 23-10-2017), nếu họ không ghi nhận các nỗ lực hoàn thiện thể chế quản lý khai thác kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển cũng như tại cảng; không hoàn thiện hệ thống cấp xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thì cấm nhập không chỉ đối với các mặt hàng hải sản mà còn với nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, nên nhớ EU và Hoa Kỳ, cả với Nhật Bản là các thị trường có những tiêu chuẩn hàng hóa tương đương nhau. Họ luôn là “đồng minh” thân cận và hầu hết các bộ tiêu chí về chuẩn hàng hóa nhập khẩu họ đều tham gia liên kết.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, hơn 1,5 ngàn tàu cá các loại của ngư dân Bình Đại đánh bắt hàng năm hơn 80 ngàn tấn hải sản các loại và hơn 30% trong đó có thể xuất khẩu. Hiện ngư dân địa phương chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái và qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa. “So sánh thu nhập của ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương tại khu vực biển miền Trung thời điểm trước và sau khi xuất khẩu được thì sẽ thấy rõ vai trò của việc xuất khẩu. Đương nhiên, chúng tôi cũng rất nỗ lực để thủy hải sản Bình Đại xuất khẩu được. Nhưng cái khó hiện nay, hầu hết ngư dân đánh bắt không ghi chép hải trình, ngay cả lắp đặt miễn phí thiết bị theo dõi vị trí di chuyển trên biển để có điều kiện hỗ trợ lúc gặp khó khăn mà họ còn chưa quan tâm. Hầu hết chủ tàu giao quyền cho thuyền trưởng lúc ra khơi nên khâu tuyên truyền rất khó thực hiện thường xuyên. Thực trạng này đã đi ngược lại với các quy định trong IUU”, ông Dũng nêu khó khăn.

Về vấn đề giá hải sản giảm mạnh, ông Dũng cho rằng vẫn chưa xác định được do tác động của “thẻ vàng” lên thị trường hay do cán cân cung - cầu của thị trường. “Chúng tôi đang tìm hiểu, nếu thật sự do sự tác động sâu của “thẻ vàng” lên thị trường hải sản thì sẽ mang thông tin đó tuyên truyền cho ngư dân rõ hơn”, ông Dũng khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản khẳng định, EU đã siết chặt nên họ sẽ siết lại ngư dân. Cụ thể, nếu trong thời gian tới, ngư dân không ghi chép hải trình đầy đủ khi ra khơi, không có xác nhận của cơ quan chức năng thì không thu mua. Riêng các sản phẩm thực hiện đầy đủ theo quy định, có thể truy xuất nguồn gốc được mua với giá cao hơn. Đối với ngư dân tỉnh đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam có báo cáo đều đặn đến Chi cục Thủy sản Bến Tre. Vậy nên chỉ cần ghi chép lại hải trình và khi lên bờ đối chiếu lại với nhật ký của cơ quan này sẽ có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp.

“Mực khô là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngư dân Bình Đại nhưng do khâu bảo quản còn hạn chế nên chất lượng bị giảm chỉ trong tháng đầu tiên. Trong khi đó, khoảng thời gian 6 tháng thử thách “thẻ vàng”, chắc chắn các lô hàng xuất khẩu vào EU luôn bị tăng tần suất kiểm tra, truy xuất đến nơi đến chốn, thời gian chờ xuất sẽ kéo dài thêm”, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại lo lắng.

Mã Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang