Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 02/11/2017
Ngày cập nhật:
4/11/2017
Tuy chấp nhận bán cá với giá thấp nhưng đến nay, hàng chục tấn cá chim vây vàng của người nuôi ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) và xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vẫn chưa tiêu thụ được.
Ông Phan Văn Nhơn (thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 5.000 con cá chim vây vàng. Sau 8 tháng nuôi, chỉ còn lại 4.000 con, đã đến kỳ xuất bán với kích cỡ đạt 0,5 - 0,6kg/con. Tuy nhiên, hiện nay, tôi chưa bán được con nào”. Được biết, cá chim vây vàng được người dân thôn Cát Lợi thả nuôi rộ trong 2 năm gần đây do dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Sở dĩ cá chim vây vàng tiêu thụ chậm, giá thấp là do thời điểm này cá được thu hoạch rộ, trong khi thị trường tiêu thụ hạn chế nên nông dân rơi vào cảnh được mùa, mất giá.
Gia đình ông Trần Minh Tú (thôn Cát lợi) cũng thả nuôi 3.000 con cá chim vây vàng. Những ngày qua, biển gió mạnh, mưa lớn nên ông hết sức lo lắng cho 5 lồng cá, sản lượng hơn 1 tấn chưa bán được. Ông Tú nói: “Thấy cá chim vây vàng dễ nuôi nên tôi đầu tư 70 triệu đồng để mua cá giống, thức ăn nuôi loại cá này. Chưa thấy hiệu quả đâu, bây giờ, tôi lại ôm nỗi lo không bán được cá. Giá cá trước đây hơn 140.000 đồng/kg, nhưng hiện nay dù bán với giá 100.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Liên hệ với các thương lái, họ chỉ hứa hẹn nhưng chờ mãi vẫn không thấy đến. Có hộ bán được thì lượng bán cũng không nhiều. Trong khi đó, chi phí cho đàn cá ngày càng tăng, cứ mỗi ngày phải mất thêm hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn cho cá.
Cá chim vây vàng đang tiêu thụ rất chậm
Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay, còn tồn tại nhiều bất cập trong tiêu thụ các sản phẩm do nông dân làm ra. Đã không ít lần nông dân trên địa bàn tỉnh phải đối diện với tình trạng được mùa, mất giá, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, cá chim vây vàng nuôi trên đầm Nha Phu cũng nằm trong thực trạng chung đó. Để hạn chế rủi ro cho người nuôi, cần thiết phải có quy hoạch, định hướng cụ thể cho người dân đối với từng đối tượng nuôi; bên cạnh đó vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cần được đẩy mạnh, bởi đây là yếu tố then chốt để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Các hộ nuôi cá chim vây vàng tại xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) cũng đứng ngồi không yên khi hàng chục tấn cá vẫn chưa bán được. Ông Phan Tấn Tý (thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích) đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi 30.000 con cá chim vây vàng. Hiện nay, số cá chưa bán được vẫn còn rất lớn. “Điều chúng tôi lo lắng là hiện nay đã vào mùa mưa bão, nếu cá vẫn không bán được thì nguy cơ thiệt hại rất lớn”, ông Tý nói. Theo lãnh đạo xã Ninh Ích, hiện nay, người dân địa phương nuôi cá chim vây vàng chủ yếu ở vùng biển Hòn Lăng, theo hình thức nuôi lồng bè. Trong số 362 lồng nuôi cá chim tại khu vực này, hầu hết là của người dân xã Ninh Ích, một số của người dân xã Vĩnh Lương. Các hộ nuôi với mật độ 250 - 300 con/lồng.
Trao đổi với một chủ vựa hải sản ở TP. Nha Trang, được biết, cá chim vây vàng vẫn được tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn nhưng số lượng rất hạn chế; chủ yếu vẫn được thu mua, tiêu thụ ở các chợ truyền thống trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức hút của loại cá này ở chợ truyền thống không cao; trong khi đây là thời điểm thu hoạch rộ cá chim vây vàng nên tiêu thụ chậm là điều tất yếu.
Theo bà Võ Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương, trước đây có khá nhiều hộ trên địa bàn xã đầu tư nuôi cá chim vây vàng. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn chưa đến 10 hộ nuôi loại cá này, nguyên nhân là do đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Cá chim vây vàng hiện nay chỉ được tiêu thụ ở các chợ trong và ngoài tỉnh chứ chưa được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. “Một nghịch lý là dù người nuôi cá bán chỉ 100.000 đồng/kg nhưng ở TP. Nha Trang, người tiêu dùng vẫn phải mua ở các chợ với giá hơn 160.000 đồng/kg; do qua nhiều khâu trung gian nên nông dân vẫn chịu cảnh bị ép giá, trong khi người tiêu dùng phải trả giá cao”, bà Huệ chia sẻ. Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay: Khó khăn lớn nhất của nghề nuôi này là đầu ra không ổn định. Nếu có doanh nghiệp đứng ra thu mua, xuất khẩu loại cá này cho nông dân thì hiệu quả mang lại rất cao.
BÍCH LA
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.