Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/11/2017
Ngày cập nhật:
5/11/2017
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Yên vào sáng 5/11, bão số 12 kèm theo mưa lũ lớn đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 10 người bị thương, 69 ngôi nhà sập hoàn toàn, 12.382 nhà hư hỏng, tốc mái, xiêu vẹo; 104 tàu thuyền bị chìm và cuốn trôi, hàng nghìn lồng bè nuôi tôm hùm và các loài thủy sản khác bị thiệt hại; gần 17.000 ha mía và hơn 2.000 ha cây cao su ngã đổ.
Mưa bão cũng làm 641 cột điện bị đổ, chủ yếu là trung, hạ áp và nhiều tuyến giao thông tỉnh, huyện, kênh mương, trạm bơm điện thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 61 thôn, 21 xã bị ngập, chia cắt; tuyến đường sắt bắc - nam bị tắc nghẽn nhiều giờ, một số đoạn trên quốc lộ 1 ngập từ 0,5 đến 1m và cầu cảng Vũng Rô bị sóng biển đánh sập hoàn toàn…, ước tổng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Sau 15 giờ mất điện toàn hệ thống, đến 17 giờ ngày 4/11, một số khu vực ở TP Tuy Hòa đã được cấp điện trở lại.
Tuyến đường sắt bắc - nam bị tắc nghẽn nhiều giờ, một số đoạn trên quốc lộ 1 bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m, lưu thông khó khăn. Hiện đường sắt từ ga Diêu Trì đến ga Phú Hiệp đã thông tuyến; đoạn từ ga Phú Hiệp đến ga Đại lãnh còn nhiều vị trí cột thông tin tín hiệu ngã đổ vào đường sắt đang được khắc phục; đồng thời đơn vị bảo trì đường sắt đang tiếp tục sửa chữa một số vị trí sạt lở tại khu vực Đèo Cả.
Tối 4/11 tàu SE7 chở 454 khách và tàu SE1 chở 119 khách từ ga Diêu Trì đã về đến ga Tuy Hòa. Ga Tuy Hòa đã phối hợp với lực lượng công an phường 2 để đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi tàu SE7 vào Ga Tuy Hòa; đồng thời Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang phối hợp với các đơn vị liên quan huy động 11 xe ô tô khách để trung chuyển toàn bộ hành khách trên tàu. Về đường Hàng không, trong ngày 5/11, các chuyến bay đã trở lại bình thường.
Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 4/11, do nước sông Ba dâng cao kết hợp thủy triều lên, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ, nhưng điều tiết giảm còn 3.100m3/s, thấp hơn 3.500m3/s, làm nhiều tuyến đường chính của phố TP Tuy Hòa bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Chợ trung tâm ở phường 4 phải dời lên họp tại ngã 5, phường 1, TP Tuy Hòa, cách vị trí cũ hơn 1km. Nước lũ dâng cao, hơn 4.400 hộ dân ở TP Tuy Hòa và các huyện Tây Hòa, Phú Hòa Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân phải di dời đến vùng cao an toàn trong chiều tối.
Nhiều trụ điện bị ngã trên đường Mậu thân, TP Tuy Hòa
Để khắc phục hậu quả của bão, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp hỗ trợ giúp đỡ các địa phương; giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm ứng ngân sách hỗ trợ cho các gia đình có nhà sập hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng theo chính sách quy định. Tập trung tìm kiếm người mất tích, chữa trị người bị thương. Triển khai tổ chức tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích trong bão; đồng thời, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người mất tích, người bị thương nặng. Khẩn trương triển khai tập trung khắc phục hậu quả bão kịp thời, hiệu quả; các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn tính mạng của người dân; cần tuyên truyền người dân không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác sau bão, lũ để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ trục vớt tàu cá của ngư dân tại Vịnh Xuân Đài.
Các đơn vị lực lượng vũ trang (Quân sự, Công an, Biên phòng) phối hợp với các lực lượng của địa phương hỗ trợ giúp đỡ người dân (người tàn tật, người già…) khắc phục, sửa chữa nhà ở, nhằm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Tập trung tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, phun thuốc, hóa chất xử lý những nơi ngập úng, nguy cơ gây bệnh cao để tiêu độc, khử trùng, không để dịch bệnh phát sinh.
Nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên dọn dẹp vệ sinh sau bão
Các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết sau bão có khả năng mưa lớn gây ra lũ và ngập lụt, cần chủ động các phương án di dời, sơ tán dân ở những vùng trũng thấp, vùng bị ngập lụt, cô lập, chia cắt đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình hồ chứa, đập, thủy lợi và công trình thủy điện sau mưa bão. Các cơ quan đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của ngành (giao thông, điện, viễn thông và các công trình văn hóa, dân sinh kinh tế và các công trình sản xuất…) khẩn trương tiến hành sửa chữa khắc phục, những sự cố hư hỏng công trình sau thiên tai nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
Các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn cụ thể, sát với thực tế, khách quan, đảm bảo chính xác khối lượng thiệt hại (thống kê, đánh giá thiệt hại chi tiết theo biểu mẫu của Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT) và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh. Trường hợp, đơn vị nào báo cáo chậm trễ thì đơn vị đó chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhóm PV PYO
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.