Nguồn tin: Người Lao Động, 06/02/2017
Ngày cập nhật:
9/2/2017
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam
Ngày 6-2, tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam.
Bứt phá trong khó khăn
2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên đến 188.000 ha, trong đó Cà Mau 155.890 ha, Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha.
Tính đến ngày 30-6-2016, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt 191.560 tấn (bằng 28,2% kế hoạch năm). Tuy nhiên, với các giải pháp phù hợp và kịp thời, ngành tôm đã đạt được kết quả ngoạn mục vào cuối năm 2016. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm hơn 694.000 ha, bằng 100,1%; tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5%. Đồng thời, đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan xưởng chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú tại Cà Mau
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám đánh giá: “Con tôm là sản phẩm có giá trị, được ngành nông nghiệp chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều khu vực phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Diện tích nuôi và sản lượng tôm sú nước ta hiện chiếm tỉ lệ cao trên thế giới, tương ứng với 30%-38%. Đây là loài có giá trị thương mại lớn, thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh cao”.
Dồn sức cho phát triển
Bộ NN-PTNT xác định ngành tôm có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng: công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững, như tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, đến năm 2030 đạt 8-10 tỉ USD.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Trong đó, việc tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất; hình thành các HTX, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi là đặc biệt quan trọng. Phải tăng cường đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi thâm canh. Phấn đấu đến năm 2020, trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước và đến năm 2025 là 100%. Đồng thời, áp dụng các mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới; ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm giá thành sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD là quá thấp, con số này phải đạt trước năm 2025. Cơ sở để phấn đấu là năng suất tôm sú bình quân hiện chỉ 2-2,5 tạ/ha (nuôi quảng canh), trong khi nhiều mô hình đã đạt 6 tạ/ha.
Ông Trương Hữu Thông, Tổng Giám đốc Công ty Thông Thuận, cho biết doanh nghiệp này có thể nuôi tôm 4 vụ/năm theo công nghệ cao, đạt sản lượng hơn 100 tấn/ha, tương đương 12-15 tỉ đồng/ha...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận con tôm đã lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước. Con tôm sú là lợi thế của Việt Nam, cần đặt mục tiêu phát triển cao hơn, chất lượng hơn. “Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành tôm. Thị trường tôm rất lớn, thế giới có 7 tỉ người thì ai cũng có nhu cầu dùng tôm. Vì vậy, phải có quyết tâm và giải pháp đồng bộ để phát triển ngành tôm, mang lại giá trị lớn cho người nuôi tôm... Chúng ta phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới, ngành tôm phải đạt 10% GDP quốc gia…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Việt Nam mà trước hết là ĐBSCL phải là thủ phủ tôm của thế giới, phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Để đạt tham vọng này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phải trình Chính phủ chương trình hành động phát triển ngành tôm Việt Nam. Chủ trì phát triển sản xuất, hướng dẫn sản xuất, tạo mối liên kết, kiểm soát chặt chẽ vật tư… Bộ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Bộ Công Thương tổ chức thông tin thị trường, đấu tranh tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các nguồn vốn, kể cả vốn ODA, nhanh chóng thẩm định các dự án để phát triển ngành tôm. Bộ Tài chính phối hợp Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cho người nuôi tôm vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng ao đầm nuôi tôm. Điện lực phải chủ động đủ nguồn lực cung cấp điện cho nuôi tôm. Bộ Công an và Bộ NN-PTNT kiểm soát lưu thông con giống, thú y thủy sản, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bơm chích tạp chất...
Duy Nhân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.