• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tháo gỡ nút thắt cho ngành cá tra

Nguồn tin: Báo An Giang, 07/02/2017
Ngày cập nhật: 9/2/2017

“Muốn tháo gỡ nút thắt cho ngành cá tra, việc này phải bắt đầu từ thị trường, vốn, chất lượng sản phẩm, môi trường; cùng với đó cơ chế chính sách phải mang tính đồng bộ. Trong đó, tháo gỡ khó khăn về vốn vẫn là cốt tử của ngành cá tra hiện nay…” - ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Navico, chia sẻ.

Vốn để sản xuất

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL. Gần 20 năm qua, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu cá tra mang về cho đất nước từ 1,6 - 1,7 tỷ USD, giải quyết gần 100 ngàn lao động có việc làm ổn định. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những người tham gia vào chuỗi giá trị của ngành hàng cá tra (nông dân lẫn doanh nghiệp) đều thua lỗ nặng. Để khôi phục lại ngành này, vốn vẫn là vấn đề cốt yếu. “Cơ chế cho vay của ngân hàng hiện nay là phải có tài sản thế chấp. Nhiều năm thua lỗ, tài sản thế chấp của nông dân đã nằm hết trong ngân hàng, vì vậy muốn vay thêm vốn để tái sản xuất thì không vay được. Nhiều người đánh liều, mượn thêm tài sản của bà con dòng họ mang đi thế chấp cho ngân hàng nhưng rồi cũng kẹt ở đó. 2 năm gần đây, tỉnh đưa ra một phương thức mới, cho vay theo chuỗi, trong đó ngành ngân hàng giữ vai trò là “nhạc trưởng” để điều hành “cuộc chơi”. Song, nông dân tham gia chuỗi mới thực hiện được 3 vụ nuôi thì doanh nghiệp đã “cao bay xa chạy”, vì vậy chuyện nông dân cần vốn để khôi phục ngành cá vẫn chưa được giải quyết thấu đáo” - ông Lê Văn Hựu, nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) bức xúc.

An Giang có 19 doanh nghiệp tham gia nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Do thua lỗ nhiều năm liền nên đến thời điểm này, số doanh nghiệp còn tồn tại và sản xuất mang tính “cầm chừng” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận phương án vay vốn ngắn hạn để đầu tư vùng nuôi mang tính chất dài hạn. Phương thức đầu tư này rủi ro lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm, vì đã hết cách. “Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra hiện nay đang lâm vào cảnh “bần cùng”. Thua lỗ nhiều năm, doanh nghiệp mang nhà xưởng, dây chuyền sản xuất để thế chấp ngân hàng. Có nhiều trường hợp một dây chuyền cấp đông nhanh (IQF) của nhà máy, mang đi thế chấp cho nhiều ngân hàng để được vay vốn tái sản xuất. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho ngành ngân hàng…” - ông Trần Văn Nam, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) bức xúc. Vay vốn nhiều để phát triển sản xuất, doanh nghiệp lẫn người nuôi phải tính thêm tiền lãi ngân hàng vào giá thành sản xuất, vì vậy giá vốn để sản xuất ra 1 kg cá thịt hoặc 1 kg cá file xuất khẩu là rất cao, điều đó khiến sản phẩm rất khó cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Chất lượng sản phẩm

Lâu nay, vấn đề gian lận thương mại trên sản phẩm cá tra file xuất khẩu vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Cụ thể, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã ra đời nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi - dẫu biết rằng nghị định này là một hướng đi tốt để lập lại trật tự, tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra hiện nay. “Không một quốc gia nào mà người tiêu dùng chấp nhận việc bỏ tiền ra mua một sản phẩm kém chất lượng, vì vậy việc này phải sửa. File cá tra rất ngon, vậy mà doanh nghiệp nghe lời các nhà “nhập khẩu dỏm” ở các nước, cho nước lẫn chất phụ gia vào miếng file qua con đường tăng trọng để gian lận thương mại, điều này là khó chấp nhận. Khi phát hiện ra, ai dám can đảm ăn miếng file này? Vấn đề này phải được giải quyết một cách rốt ráo…” - ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản AFA, bức xúc.

Đi kèm với giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm, Nhà nước cần siết chặt việc quản lý môi trường nước. Thực tế hiện nay, tỷ lệ cá sống khi nuôi từ cá bột lên thịt hao hụt rất lớn. Nguyên nhân do môi trường nước bị ô nhiễm rất nặng. An Giang có 2 sản phẩm chủ lực là lúa và cá tra. Người trồng lúa sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa. Nước xả từ ruộng lúa xuống kênh rạch, người nuôi cá lấy nước đó bơm vào ao, vì vậy cá chết hàng loạt trong ao là khó tránh khỏi. “Đã đến lúc ngành Nông nghiệp cần đi vào kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các loại thuốc BVTV, chất xử lý ao để cái này không đá cái kia. Thực tế hiện nay, tại các cửa hàng thuốc thú y thủy sản hay cửa hàng vật tư nông nghiệp có quá nhiều loại thuốc, chất xử lý ao khác nhau, khi nông dân xử lý xong thì tất cả đổ xuống dòng sông, người nuôi cá lấy nước đó nuôi cá thì chết rồi… Việc này cần xác lập lại trật tự…” - bà Hồ Thị Cẩm Tiên, nông dân xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), kiến nghị.

MINH HIỂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang