Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 09/11/2017
Ngày cập nhật:
10/11/2017
Người dân đổ nợ vì cá nuôi chết sạch trong đợt lũ lớn rất cần chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống, tái đầu tư sản xuất.
Người dân thu gom cá chết để chôn, hủy
Ông Nguyễn Hoàng ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) nói: “Thiệt hại thì cũng đã xảy ra rồi, không thể vớt vát gì được nữa. Lúc này người dân chúng tôi chỉ rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ một phần thiệt hại để ổn định cuộc sống trước mắt, cũng như đầu tư tái sản xuất sau lũ”.
Vụ nuôi này, hộ ông Hoàng đầu tư 2 tỷ đồng nuôi cá diêu hồng, phần lớn từ nguồn vốn vay ngân hàng. Chỉ một tháng nữa cho thu hoạch, lũ lớn xảy ra khiến hầu hết các lồng cá nuôi chết sạch, ước thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Số cá chết được một thương lái ở Quang Trị thu gom để chế biến thức ăn gia súc, xem như giúp đỡ, hỗ trợ người dân xử lý môi trường.
Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thông tin, toàn xã có 250 lồng bè nuôi cá hồng, rô phi của 187 hộ bị chết với số lượng khoảng 300 tấn, ước thiệt hại 15-17 tỷ đồng. Hầu hết các hộ nuôi đều vay nợ ngân hàng và người thân. Chính quyền địa phương sẽ đề xuất, kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho dân sớm ổn định cuộc sống.
Thống kê của các địa phương cho thấy, tại thị xã Hương Trà có 322 tấn cá bị chết, trong đó cá lồng nuôi trên sông Bồ 297 tấn. Tại huyện Phong Điền có 18,7 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 130 lồng cá bị thiệt hại. Huyện Phú Vang có 923 lồng cá bị thiệt hại nặng. Tại huyện Quảng Điền có khoảng 300 lồng cá bị chết với số lượng trên 300 tấn, chủ yếu ở hai xã Quảng Phú, Quảng Thọ.
Theo Phó Giám Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Đức, lâu nay, Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đối với cây trồng, gia súc, gia cầm, chưa có chính sách hỗ trợ cho thủy sản. Nguyên nhân một phần do người dân chưa tuân thủ quy trình, lịch thời vụ nuôi trồng, mật độ thả giống, cũng như kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy định. Việc người dân nuôi thủy sản tự phát nên cơ quan chức năng không có căn cứ, không thể xác định mức độ thiệt hại để đề xuất cấp trên hỗ trợ.
Ông Đức cho rằng, riêng đợt thiệt hại do mưa lũ năm nay là quá lớn so với nhiều năm trước, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân. Sau đợt lũ này, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, ban ngành thống kê, xác định cụ thể mức độ thiệt hại của từng hộ, từng địa phương; sau đó hoạch định chính sách, mức hỗ trợ, đồng thời kiến nghị, đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Mức độ thiệt hại của người dân trong đợt lũ này cần được hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, có điều kiện tái đầu tư sản xuất.
Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.