• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỷ phú cá tra giống ở miền Tây

Nguồn tin: Khoa học phổ thông, 09/11/2017
Ngày cập nhật: 10/11/2017

Ông Chúng chăm sóc đàn cá tra bố mẹ sinh sản với diện tích hơn 2 ha

Ông Bùi Thanh Chúng ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) được mệnh danh là “tỷ phú cá tra giống” khi 2 lần liên tiếp nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích phong trào nông sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2014 và 2014 - 2016 với thành tích nuôi và sản xuất cá tra giống, trồng nếp với diện tích 5 ha cho thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống sản xuất nông nghiệp và nuôi cá nên ông Bùi Thanh Chúng đã quen với những khó khăn, vất vả của cuộc sống người làm nông. Lập nghiệp từ năm 21 tuổi với diện tích 1,5 công đất bố mẹ để lại, ông Chúng bắt đầu trồng lúa và canh tác rau màu. Thế nhưng, do giá cả bấp bênh, năng suất lúc bấy giờ không cao nên ông Chúng không thu lại lợi nhuận nhiều từ sản xuất nông nghiệp. Khoảng tháng 5/1985, ông Chúng đến tận biên giới Việt Nam - Campuchia để đặt đáy cá tra thiên nhiên, phần đem bán cho thương lái trong khu vực huyện Hồng Ngự, phần còn lại đem về thả nuôi. Do nguồn cá tra thiên nhiên lúc đó dồi dào nên giúp gia đình ông thu nhập khá. Vào thời điểm đó, cá tra giống có giá 1.000 đồng/con giống đạt mức cao. Tuy nhiên, sức bắt của người dân ngày càng nhiều nên nguồn cá tra thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Năm 1998, Trại cá giống Châu Đốc (An Giang) sản xuất thành công cá tra giống nhân tạo và từ đó “ra đời” nghề sản xuất cá tra giống nhân tạo. Ông Bùi Thanh Chúng chia sẻ, ban đầu từ cá thiên nhiên chuyển sang nuôi cá tra giống nhân tạo gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, con giống nhân tạo có sức đề kháng kém nhưng bù lại là đồng đều có số lượng lớn, nguồn giống có xuyên suốt nên phục vụ tốt cho việc ươm nuôi. Giá cá tra giống lúc bấy giờ vẫn ở mức cao nên kiếm sống được vì chưa có cơ sở nào ươm nuôi thành công cá tra giống nhân tạo.

Đầu năm 2000, nhu cầu thị trường ươm nuôi cá tra giống phát triển mạnh và đòi hỏi cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp sản xuất giống chất lượng cao. Trường đại học Cần Thơ đã tổ chức mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân huyện Hồng Ngự với hơn 20 thành viên tham gia. Lớp học kéo dài hơn 1 tháng để chuyển giao các kỹ thuật ươm nuôi, chuẩn bị ao hầm, phòng bệnh trên đàn cá bố mẹ và cách cho cá đẻ nhân tạo. Tuy nhiên, các hộ nuôi và cả ông Chúng đều phải đến tận vùng nuôi thuộc tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long để mua con giống bố mẹ về để nuôi dưỡng, chăm sóc và thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo. “Ban đầu luôn gặp khó khăn trong khâu nuôi dưỡng, chăm sóc vì kỹ thuật cho sinh sản nhân tạo là rất khó, nếu cho sinh sản không đúng thời điểm thì con giống sẽ không chất lượng, cá bố mẹ dễ chết sau khi cho sinh sản nhân tạo, nhưng nghề dạy nghề và chịu khó học hỏi người đi trước nên mẻ cá đầu tiên cũng thành công và sau đó có thêm kinh nghiệm trong sản xuất cá tra giống” - ông Chúng tâm sự.

Thời hoàng kim của con cá tra giống là năm 1987 và năm 2007, trong 2 năm này, giá cá tra được thương lái “săn đón” để thu mua, số lượng sản xuất cá tra thịt cũng không ngừng tăng lên, nhu cầu giống cả các hộ nuôi tăng đột biến mà sản phẩm tạo ra không đủ cung cấp cho thị trường nên giá luôn giữ ở mức rất cao. Năm 2007, giá cá tra giống ở mức 12 đồng/con (cá bột), gấp 24 lần so với thời điểm hiện tại, đây là giá “kỷ lục” không có khi nào vượt qua.

Từ việc phát triển thuận lợi đã giúp gia đình ông Chúng đẩy mạnh sản xuất mua thêm đất để sản xuất nông nghiệp, sản xuất cá tra và xây nhà, giúp các con có thêm điều kiện để học tập. Để có được những thành quả như hôm nay, không thể quên người phụ nữ luôn kề vai sát cánh với ông trong suốt chặng đường hơn 40 năm qua, bà Bùi Thị Thu Lan - vợ ông Chúng chia sẻ, để có thành công hôm nay, cả hai vợ chồng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả, con cá tra đi suốt chặng đường hơn 40 năm của gia đình đã mang đến niềm vui, nỗi buồn và chính từ những niềm đam mê, biết cách chăn nuôi sản xuất sao cho hiệu quả kinh tế cao để có thể giúp ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Hiện tại, ông Chúng đang sở hữu hơn 2 ha đất ao hầm chuyên sản xuất cá tra giống các loại và nuôi cá bố mẹ với hơn 20 ao lớn nhỏ. Bình quân 5 ngày ông Chúng cho xuất cá tra bột 1 lần (cá tra bột = cá tra được thụ tinh nhân tạo sau 24 giờ) và mỗi năm ông Chúng xuất ra thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh hơn 4 tỷ con giống. Tùy theo thời điểm thị trường mà các giống có giá khác nhau từ 500.000 - 3.500.000 đồng/1 triệu con cá tra bột, cá giống có giá từ 25.000 - 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, mỗi năm ông Chúng mang về cho mình số tiền hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 3 ha trồng nếp, bình quân mỗi công (1 công = 1.000 m2) cho năng suất từ 800 kg - 1 tấn, giá dao động từ 4.500 - 6.500 đồng tùy theo thời vụ và giá cả thị trường. Sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ.

CHÍ TRUNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang