Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 08/11/2017
Ngày cập nhật:
12/11/2017
Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là huyện miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô sinh sống, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, diện tích ao hồ nhỏ, lại phân bố không tập trung, trình độ sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế nên thời gian qua, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Kiểm tra độ tăng trưởng cá nuôi ở Hướng Hóa
Nhằm giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng tiềm năng mặt nước, nâng cao đời sống, tăng thu nhập, những năm gần đây Trạm Khuyến nông (KN) huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt tại các xã trên địa bàn huyện. Thông qua mô hình đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Hồ Văn Bông ở tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh đã có thời gian nuôi cá nước ngọt hơn 10 năm. Trước đây, vì nguồn cá giống và kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo nên sản lượng và chất lượng cá không cao. Ông Bông cho biết, do đường sá đi lại khó khăn, lại không biết mua cá giống ở đâu nên ông thường mua cá giống do thương lái đưa đến, với ao nuôi diện tích 400 m2 ông được họ hướng dẫn là phải thả từ 2.000 - 3.000 con cá giống.
Tuy nhiên do cá giống có kích cỡ nhỏ, thức ăn cho cá chủ yếu là lá sắn, lá chuối, tổ mối… nên hao hụt nhiều, cá chậm lớn, nuôi từ 1,5 - 2 năm mới thu hoạch được khoảng 50 - 70 kg cá. Đầu năm 2017, khi tham gia mô hình “Nuôi cá truyền thống” do Trạm KN huyện triển khai, ông Bông được hỗ trợ 1.000 con cá giống đảm bảo chất lượng, 100% thức ăn công nghiệp cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình nuôi.
Nhờ vậy, đến nay sau gần 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt kích cỡ từ 0,45 - 0,65 kg/con, đặc biệt tỷ lệ hao hụt thấp, ước tính tỷ lệ sống đạt xấp xỉ 90%. Ông Hồ Văn Nam ở tại thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng cũng chia sẻ trước đây ông chỉ nuôi cá theo hình thức thả tự nhiên, nuôi theo kinh nghiệm, cá tự kiếm ăn trong hồ là chủ yếu vì thế hiệu quả mang lại rất thấp. Ao nuôi có diện tích hơn 800 m2 , nuôi cả năm mà đến khi thu hoạch chỉ được chưa đầy 1 tạ cá.
Từ khi được tham gia mô hình nuôi cá của Trạm KN huyện, ông được dự tập huấn về cách nuôi cá, được hướng dẫn cách cải tạo ao, cách chăm sóc cá, được hỗ trợ hơn 2.000 con cá giống, thức ăn công nghiệp nên cá lớn nhanh. Theo tính toán của ông, hiện ao đang có trên dưới 1 tấn cá. Theo kỹ sư Trương Vy Hùng, cán bộ kỹ thuật của Trạm KN huyện Hướng Hóa, hiện nay trạm đang triển khai 10 mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn 2 xã Hướng Phùng và Hướng Linh với tổng diện tích hơn 5.000m2 , mật độ thả 2,5 con/m2 .
Các giống cá thả nuôi chủ yếu là trắm cỏ, mè, chép và rô phi. Đây là các đối tượng nuôi có thể nuôi theo hình thức nuôi ghép, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp người dân. Bên cạnh thức ăn công nghiệp còn có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo…
Qua đánh giá thực tế, sau gần 7 tháng triển khai, các mô hình khá thành công, các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt mức yêu cầu đề ra như tỷ lệ sống đạt từ 88% trở lên, trọng lượng cá trung bình từ 0,45 - 0,7 kg/ con. Với giá bán hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi hộ mô hình cũng thu được từ 25 - 30 triệu đồng.
Chia sẻ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện mô hình nuôi cá truyền thống này, anh Hùng cho biết, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, kinh nghiệm nuôi cá còn nhiều hạn chế, vì vậy việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật là rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó, do không có kinh nghiệm nên người dân chủ yếu mua cá giống do thương lái chở đi bán rong, kích cỡ nhỏ, chất lượng không bảo đảm nên tỷ lệ hao hụt cao. Trong khi cá giống do Trạm KN hỗ trợ đều có chất lượng tốt, có giấy chứng nhận rõ ràng.
Anh Hùng cũng lưu ý, các ao nuôi cá ở vùng miền núi đều nằm ở nơi thấp, sát bên sườn đồi nên khi mưa lớn thường kéo theo phù sa xuống ao làm nước ao bị vẩn đục ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cá hoặc rủi ro hơn là nước lớn có thể làm vỡ ao gây thất thoát cá ra ngoài. Do đó các hộ nuôi cá cần đào các rãnh để cắt dòng nước, tránh các dòng nước từ trên đồi đổ trực tiếp vào ao.
Theo ông Phan Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, điểm vượt trội của mô hình là bên cạnh mang lại thu nhập cao, người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị bệnh nên cá phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp; thời gian thu hoạch từ 1,5 - 2 năm như trước đây được rút ngắn xuống còn từ 8 tháng - 1 năm. Ông Long cho biết, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số chỉ quen đánh bắt cá tự nhiên ở sông, suối để cải thiện bữa ăn hàng ngày, còn việc nuôi cá thì chủ yếu chỉ thả cá giống, việc chăm sóc nuôi dưỡng hầu như là “nhờ trời”.
Vì vậy bằng những mô hình được triển khai tại chỗ, hỗ trợ kỹ thuật thông qua phương pháp “cầm tay chỉ việc”, các cán bộ kỹ thuật của Trạm KN huyện đã tạo được niềm tin cho người dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán nuôi cá của đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ chỉ nuôi theo tập quán lạc hậu và kinh nghiệm là chính sang nuôi có kỹ thuật, lựa chọn cá giống có chất lượng tốt, đầu tư thức ăn, phòng trị bệnh cho cá…
Trên địa bàn xã Hướng Phùng có khoảng 15 ha nuôi cá, tuy nhiên ao hồ chủ yếu được đào ở nơi thấp, tận dụng các khe suối để đắp đập, be bờ giữ nước, lắp ống để dẫn nước vào ao nuôi. Vì vậy khi nuôi cá với thời gian dài thì rất dễ bị thất thoát do ảnh hưởng của thời tiết. Với việc rút ngắn được thời gian nuôi xuống còn khoảng 7 - 8 tháng như các mô hình do Trạm KN huyện triển khai sẽ giúp người dân chủ động được thời gian nuôi, né tránh được ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
Trên cơ sở này, trong thời gian tới UBND xã sẽ có chủ trương vận động người dân học tập, đào thêm ao nuôi nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Theo ông Phan Ngọc Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm KN tỉnh, không chỉ năm 2017 này mà những năm trước, Trung tâm KN tỉnh cũng đã chỉ đạo Trạm KN huyện triển khai nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trên địa bàn các xã vùng khó như A Xing, Húc, Pa Tầng… như mô hình nuôi cá truyền thống, mô hình nuôi cá rô đầu vuông, cá rô phi đơn tính… và đã mang về thu nhập cho người dân hàng chục triệu đồng.
Thành công của các mô hình này đã khẳng định việc áp dụng khoa học- kỹ thuật trong nuôi cá nước ngọt truyền thống tại khu vực miền núi là rất phù hợp. Thông qua mô hình này, đã chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp họ chủ động xây dựng kế hoạch làm ăn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng...
Thục Quyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.