• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hòa: Vũng Ngán chờ vùng nuôi mới

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 24/11/2017
Ngày cập nhật: 27/11/2017

Sau cơn bão số 12, hơn 2.500 lồng nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim của người dân ở Vũng Ngán, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị phá tan hoang. Hiện tại, nhiều ngư dân đang muốn tái đầu tư sản xuất, nhưng ngặt nỗi khu vực này không được quy hoạch vùng nuôi nên họ không biết đi đâu, về đâu?

Tan hoang một vùng nuôi

Hơn 60 tuổi, gần 20 năm theo nghề nuôi tôm, cá nhưng chưa khi nào ông Mai Văn Cảnh (tổ 1 Trí Nguyên) chứng kiến một trận cuồng phong khủng khiếp đến vậy. Cơn bão số 12 đã khiến toàn bộ 35 ô lồng nuôi tôm tùm, cá bớp, cá chim và cá gáy chuẩn bị đến kỳ thu hoạch của ông bị nhấn chìm theo cơn sóng dữ, tôm cá thất thoát hết. Đến giờ này, ông Cảnh vẫn chưa hết bàng hoàng, bởi biết bao công sức, tiền của đã bốc hơi theo bão. Đầu năm nay ông dồn hết vốn liếng thả 2.000 con tôm hùm sao, 15.000 con tôm hùm xanh, 1.000 con cá bớp, 500 con cá chim, 500 con cá gáy. Đến đầu tháng 11, tất cả đang chuẩn bị xuất bán. “Cứ nghĩ cuối năm nay sẽ kiếm được kha khá, ai ngờ thiên tai ập tới khiến tôi mất trắng gần 2 tỷ đồng”, ông Cảnh nói trong nước mắt.

Các ô lồng nuôi thủy sản ở Vũng Ngán tơi tả sau bão

Tương tự, ông Nguyễn Đức Thanh (tổ 1 Trí Nguyên) cho biết, tháng 2-2017, thấy thời tiết thuận lợi, ông dồn hết tiền trong nhà rồi vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để thả nuôi 10.000 con tôm hùm xanh và 500 con tôm hùm sao. Dự kiến tháng 1-2018 sẽ xuất bán khoảng 3 tấn tôm hùm, thu về hơn 2 tỷ đồng nhưng cơn bão đã quét sạch tất cả. “Sau bão, tôi nhờ ghe của xóm ra bè thì chết điếng. Ô lồng bị phá tan tành, phần thì chìm, phần thì dồn vào nhau nổi lềnh bềnh, còn tôm ra ngoài hết. Nhìn cảnh tan hoang và nghĩ đến khoản nợ ngân hàng, mấy cha con không ai nói nổi với nhau câu nào”, ông Thanh tâm sự.

Toàn bộ tôm, cá bị thất thoát ra ngoài

Hoàn cảnh của ông Cảnh, ông Thanh cũng giống như gần 200 hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở vùng biển Vũng Ngán; họ dồn hết tiền của để mưu sinh và trắng tay sau cơn bão. Những người mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung một khuôn mặt hốc hác vì tiếc của, lo nghĩ làm thế nào để gây dựng lại?

Ông Trần Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, đoàn công tác của phường trực tiếp ra Vũng Ngán để kiểm tra, thống kê thiệt hại, đồng thời hướng dẫn người dân làm văn bản kê khai. Qua kiểm kê sơ bộ, khu vực Vũng Ngán có 2.510 ô lồng, chủ yếu nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim… Sau bão, khu vực này chỉ còn sót lại vài chục ô lồng nhưng cũng thiệt hại hơn 30%. Ước tính tổng thiệt hại của người dân hơn 200 tỷ đồng. “Trực tiếp đi thống kê thiệt hại ở Vũng Ngán mới thấy thương ngư dân. Toàn bộ bè bị gió, sóng giật xé tan tành, các thùng nhựa trôi dạt hết vào đảo Vũng Ngán và các đảo xung quanh. Mình còn thấy bàng hoàng, xót xa thì mới hiểu ngư dân họ đau như thế nào”, ông Thịnh chia sẻ.

Không được dựng bè nuôi trở lại

Theo thông tin chúng tôi có được, ngay sau cơn bão, UBND tỉnh đã có văn bản gửi UBND TP. Nha Trang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc rà soát quy hoạch lại các vùng NTTS. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lập lại vùng NTTS trong khu vực các vịnh: Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh theo hướng đảm bảo an toàn cho người nuôi và kỹ thuật lồng bè. Riêng khu vực vịnh Nha Trang, trong thời gian hoàn tất thủ tục lập lại quy hoạch vùng NTTS, yêu cầu các hộ dừng các hoạt động NTTS tại Hòn Tre và Hòn Một (tức có khu vực Vũng Ngán).

Khu vực Vũng Ngán không được lắp dựng lại lồng bè nuôi thủy sản

Ngày 16-11, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường quản lý lồng bè NTTS trái phép sau cơn bão số 12. Văn bản yêu cầu UBND phường Vĩnh Nguyên và phường Vĩnh Trường chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Bích Đầm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Nha Trang thông báo, tuyên truyền, vận động, kiểm tra và yêu cầu các chủ bè NTTS ngừng lắp dựng lồng bè tại khu vực đảo Hòn Tre, Hòn Một. Đến ngày 18-11, ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang tiếp tục có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị phối hợp kiểm tra dừng lắp dựng lồng bè.

Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Nguyên, ngay sau khi nhận được văn bản của UBND TP. Nha Trang, phường đã tiến hành họp với người dân ở Vũng Ngán và thông báo chủ trương của thành phố. Thế nhưng, tất cả người dân đều không đồng tình với chủ trương này. Lý giải điều này, ông Thịnh cho biết, khu vực Vũng Ngán được quy hoạch NTTS từ năm 2008. Đến năm 2015 thì quy hoạch này bị chấm dứt để phục vụ phát triển du lịch (đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND tỉnh). Trong năm 2016 và 2017, phường Vĩnh Nguyên đã liên tục vận động các hộ không được NTTS ở Vũng Ngán vì không còn nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành mà vẫn tiếp tục đầu tư tiền tỷ vào các ô lồng.

Mong sớm có vùng nuôi mới

Những ngày này, ông Nguyễn Đức Thanh vẫn cặm cụi thuê người kéo từng lồng bị hỏng vào bờ, gia cố tạm bợ lại những lồng còn dùng được để chờ nuôi đợt mới. Hiện nay, ông đã gia cố được gần 20 lồng, neo tạm tại khu vực Vũng Ngán. Khi được hỏi về chủ trương không cho NTTS tại khu vực này, ông Thanh cho biết: “Không cho nuôi ở Vũng Ngán thì Nhà nước phải sớm quy hoạch vùng nuôi mới cho người dân. Chúng tôi nếu không nuôi tôm, cá thì không biết làm nghề gì để sống. Mấy hôm nay tiếc của nên tôi vay mượn tiền của anh em trong nhà mua lại ít tôm hùm của người dân lặn bắt được thả tạm vào lồng. Đợi có quy hoạch vùng nuôi mới tôi sẽ kéo lồng về đó”.

Cùng tâm trạng như ông Thanh, ông Cảnh chia sẻ: “Năm 1999 tôi nuôi ở Vũng Me. Năm 2007, khi ở đó có dự án du lịch tôi phải chạy về Vũng Ngán. Bây giờ lại không cho nuôi ở Vũng Ngán thì chúng tôi biết đi đâu. Tôi hỏi lãnh đạo phường là nếu không nuôi ở Vũng Ngán thì chỉ giúp bà con nuôi ở đâu, nhưng phường cũng không biết. Nếu bây giờ phải đi Cam Ranh hay vùng xa xôi nào đó nuôi thì chúng tôi phải được hỗ trợ thiệt hại, có chút vốn liếng mới đóng được bè mới, mua con giống…”. Ông Phan Bá Lâm (ở TP. Cam Ranh, NTTS ở Vũng Ngán) cho biết, do vùng Cam Ranh không có quy hoạch NTTS, trong khi khu vực đảo Bình Ba thì quá chật chội nên gia đình ông mới tìm đến Vũng Ngán để nuôi tôm. Hiện nay không cho nuôi nữa thì rất khó tìm một vị trí phù hợp.

Theo ông Thịnh, theo Quyết định 2229 của UBND tỉnh ban hành năm 2017 quy định về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong trường hợp thiên tai thì tổng số tiền mà người dân Vũng Ngán nhận được khoảng 28 tỷ đồng, bằng một phần rất nhỏ so với thiệt hại của người dân. “Chủ trương của tỉnh thì phải chấp hành, nhưng bất cập hiện nay là chưa có vùng quy hoạch mới, người dân NTTS ở Vũng Ngán không biết phải đi đâu, lộ trình đi như thế nào”, ông Thịnh nói.

Thiết nghĩ, việc di dời lồng bè NTTS từ Vũng Ngán đi nơi khác để phù hợp với phát triển du lịch, thuận lợi cho phát triển kinh tế về lâu dài là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần sớm quy hoạch vùng nuôi mới, tạo điều kiện cho người dân tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

VĂN KỲ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang