• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rủi ro nuôi tôm hùm ngày càng lớn

Nguồn tin: Người lao động, 30/11/2017
Ngày cập nhật: 1/12/2017

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tôm hùm là hải sản quan trọng để nâng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng cho rằng cách nuôi hiện nay chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, nếu không thay đổi thì không thể phát triển bền vững

Sáng 29-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Yên. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là bàn giải pháp để vực dậy nghề nuôi tôm hùm sau bão.

Thiệt hại còn do kỹ thuật nuôi Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhìn nhận trong cơn bão số 12 vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh này thiệt hại lên đến 2.463 tỉ đồng, trong đó, người nuôi tôm hùm tổn thất rất lớn. Hơn 89.400 m3 lồng tôm với gần 1,2 triệu con tôm hùm bị mất trắng, thiệt hại gần 380 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho rằng đó là chưa kể số thiệt hại từ nhiều người dân Phú Yên nuôi tôm hùm tại Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. "Số thiệt hại ở Đầm Môn rất lớn nhưng Khánh Hòa và Phú Yên vẫn chưa tính được" - ông Phương nói.

Theo ông Phương, mỗi khi bị dịch bệnh hay thiên tai, người nuôi tôm hùm chỉ biết trông chờ vào vụ sau để gỡ vốn vì con tôm hùm có giá trị kinh tế cao, khi thiệt hại là rất lớn, không thể trông chờ vào vật nuôi khác. Vì vậy, cần giúp người nuôi tôm hùm tái sản xuất.

Người dân nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng sau bão số 12

TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cho biết theo khảo sát của ông, việc tôm hùm tổn thất vừa rồi một phần do thiên tai nhưng phần quan trọng khác là kỹ thuật nuôi. Do nuôi quá dày, các lồng nuôi sát nhau, trong khi vật liệu làm lồng không bảo đảm nên khi va chạm gây rách lồng làm tôm chết hoặc thoát ra ngoài. "Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, cần quy hoạch lại, không để người nuôi tự ý nuôi, nuôi sao cũng được. Sắp tới, viện sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Yên thiết kế, lắp đặt lồng nuôi cho phù hợp cũng như quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh ở những vùng nuôi tập trung" - TS Ninh đề xuất.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, sau bão, yếu tố môi trường sẽ thay đổi lớn nên dịch bệnh với tôm rất dễ phát sinh. Cần xử lý môi trường nuôi trước khi người dân thả giống tôm hùm để nuôi mới.

Cần thay đổi toàn bộ

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT), đề nghị việc cần làm sau bão số 12 là phải quy hoạch lại và thay đổi cách nuôi tôm hùm. Trước hết, ngoài thay đổi vật liệu làm lồng cũng cần thay đổi thức ăn cho tôm. "Nên thay đổi vật liệu làm lồng nuôi bằng chất dẻo, có độ đàn hồi lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu và cần thay đổi dần thức ăn cho tôm từ tươi sống sang thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường" - ông Cẩn nêu ý kiến.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá trong các đối tượng nuôi trồng thủy sản hiện nay, cá tra và tôm là 2 đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tôm hùm được chọn là 1 trong 4 loài tôm được ưu tiên phát triển để đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ hơn 3 tỉ USD hiện nay lên 10 tỉ USD vào năm 2025. Nuôi tôm hùm là nghề đang phát triển mạnh nên nhiều nước muốn sang Việt Nam học hỏi. Trong đó, Phú Yên và Khánh Hòa là 2 tỉnh có nghề nuôi tôm hùm phát triển bậc nhất. Tuy nhiên, qua cơn bão vừa rồi, cũng như tình hình dịch bệnh tôm vừa qua cho thấy cần thay đổi toàn diện nghề nuôi tôm hùm mới mong phát triển bền vững, tránh tổn thất nặng nề.

Theo ông Tám, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cần đưa ra nghị quyết phát triển nghề nuôi tôm hùm. Từ đó, mới có ưu tiên quy hoạch phát triển bền vững nghề này. Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch phát triển vùng nuôi tôm hùm nhưng người dân ở các địa phương vẫn nuôi nhiều ở ngoài vùng quy hoạch. Tại tỉnh Phú Yên, nhiều người nuôi tôm hùm ở cả những vùng rất nguy hiểm. Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển nghề nuôi tôm hùm. Các tỉnh cần quy hoạch và giao mặt nước cho người nuôi tôm hùm. "Khi đã giao và cho thuê mặt nước để nuôi tôm hùm thì phải hướng dẫn về mặt kỹ thuật và phải có chế tài. Cần thiết phải có khoảng trống trên mặt nước để làm vệ sinh. Chỉ nên cho nuôi một nửa diện tích mặt nước được giao. Nếu nuôi hết thì không an toàn, dễ xảy ra dịch bệnh. Bộ sẽ cử đoàn công tác để giúp các tỉnh trong công tác quy hoạch" - ông Tám cho biết thêm.

Bộ NN-PTNT đã có tờ trình gửi Chính phủ kiến nghị cụ thể các mức hỗ trợ cho người nuôi tôm hùm nhằm tái sản xuất.

Hồng Ánh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang