Nguồn tin: Báo Cà Mau, 07/02/2017
Ngày cập nhật:
11/2/2017
Năm vừa qua, nhiều nông dân trong tỉnh Cà Mau điêu đứng do nuôi tôm công nghiệp thua lỗ.
Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm mặn, mưa nắng thất thường) nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, giá cả tôm nuôi không ổn định, thậm chí có thời gian rớt giá thê thảm trong khi giá thức ăn, các loại hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản ngày một leo thang khiến người dân không còn thiết tha với đầm tôm, ao cá. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các hộ dân, nhiều người phải bỏ đầm hoang, bán đất hoặc bỏ đi xứ khác lập nghiệp.
Mặc dù vẫn còn ngay ngáy nỗi lo “thất thu” từ năm cũ, nhưng trong ngày đầu năm mới, người nuôi tôm công nghiệp vẫn thiết tha gửi gắm niềm tâm tư, nguyện vọng đến các cấp, các sở, ban, ngành chức năng với mong ước tìm lối đi mới.
Ông Trần Thạch Bưu (34 tuổi, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) tâm tình: "Ngoài thời tiết khắc nghiệt, điều người nuôi sợ hơn cả là chất lượng con giống. Hiện nay, có rất nhiều nơi cung cấp con giống, trong khi chất lượng thì không ai kiểm soát được. Thế nên, để tránh tình trạng người dân mua con giống kém chất lượng, tôi mong các ngành chức năng buộc người sản xuất con giống có trách nhiệm với người nuôi. Phải có sự ràng buộc lợi ích giữa 2 bên, bồi thường thiệt hại nếu tôm chết vì con giống kém chất lượng”.
Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau khuyến khích người nuôi tôm tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi công nghệ cao: Nuôi tôm lót bạc ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố siphon, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn là mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước và nuôi tôm thẻ thâm canh năng suất cao, tôm thẻ ương trong ao lót bạc… nhưng cái khó của người dân hiện nay vẫn là nguồn điện.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh (ấp Tân Hoá, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) bộc bạch: “Ở đây, nhiều hộ dân nuôi tôm công nghiệp chưa được áp giá điện nên phải đóng tiền rất cao. Chẳng hạn như gia đình tôi đang nuôi 2 ao tôm với diện tích khoảng 2.000 m2 mà trung bình mỗi tháng đóng trên 3 triệu đồng tiền điện. Vậy nên, tôi mong ngành điện lực nhanh chóng áp giá điện cho bà con tụi tôi”.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh mong muốn được áp giá điện.
Cũng vấn đề về nguồn điện, ông Trần Văn Tổng (ấp Bùng Binh 2, xã Hoà Tân, TP Cà Mau) kiến nghị: “Tôi đang cải tạo đầm tôm nuôi theo mô hình nuôi tôm lót bạc công nghệ cao, nhưng nguồn điện tại địa phương chưa đáp ứng đủ, tôi kiến nghị nâng nguồn điện lên 3 pha để đủ công suất phụ vụ cho suốt quá trình nuôi”.
Ông Trần Văn Tổng (áo đỏ) mong muốn được tăng nguồn điện phục vụ tốt quá trình nuôi tôm tôm công nghiệp.
Ngoài những kiến nghị trên, người nuôi tôm công nghiệp còn mong muốn được hỗ trợ vốn tái sản xuất, đầu ra con tôm được ổn định và hạn chế mức tối đa vấn đề ô nhiễm nguồn nước…
Ngọc Trầm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.