Nguồn tin: Báo Cà Mau, 08/12/2017
Ngày cập nhật:
11/12/2017
Để ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao uy tín, chất lượng và góp phần ổn định giá tôm nguyên liệu trên thị trường.
Toàn huyện Cái Nước có diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 30.000 ha, trong đó có 2.000 ha tôm công nghiệp, 20 ha tôm siêu thâm canh, 18.500 ha tôm quảng canh cải tiến, còn lại là tôm quảng canh truyền thống.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất và sản lượng tôm liên tục tăng lên qua từng năm. Con tôm được huyện xác định là ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020. Do đó, công tác phòng, chống đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất cũng được tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao chất lượng, góp phần ổn định giá tôm nguyên liệu trên thị trường.
Vận động cam kết
Qua thống kê, rà soát, trên địa bàn huyện hiện có tổng số gần 430 hộ dân hành nghề thu mua tôm nguyên liệu, chủ yếu thu gom theo hình thức nhỏ lẻ. Đây được xác định là đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, để thu lợi bất chính và làm giảm chất lượng tôm nuôi.
Theo đó, chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền và cho làm cam kết với các nội dung, như: không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu; không vận chuyển, chế biến, kinh doanh sản phẩm tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.
Qua đó, đã có trên 350 hộ thu gom tôm nguyên liệu thực hiện ký cam kết, chiếm gần 85% số hộ dân thu gom tôm nguyên liệu trên địa bàn. Số còn lại đang được tiếp tục vận động cam kết.
Có trên 85% hộ dân thu gom tôm nguyên liệu cam kết không đưa tạp chất vào tôm.
Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước còn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và quy định kiểm soát ngăn chặn tạp chất trên tôm cho các hộ thu gom tôm nguyên liệu trên địa bàn. Qua đó, nhằm giúp các hộ dân hành nghề thu gom tôm nguyên liệu nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Ngăn chặn từ gốc
Ông Đỗ Văn Quân, ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, cho rằng, nông dân là người nuôi tôm nên hiểu rất rõ tác hại của việc bơm tạp chất, không chỉ làm giảm chất lượng tôm nguyên liệu, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và uy tín của bà con nuôi tôm. Một khi chất lượng tôm nguyên liệu giảm sút chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ bị giảm theo, người bị thiệt hại về kinh tế trước tiên là bà con nông dân. Cho nên khi thu hoạch tôm nuôi bà nông dân còn phải trữ lạnh, bảo quản tôm tươi sống để bán được giá và tuyệt đối không đưa tạp chất vào tôm.
Cùng quan điểm với ông Đỗ Văn Quân, ông Trương Thiên Văn, ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, phản ánh vấn đề tôm tạp chất đến Đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hưng diễn ra vào ngày 30/11 vừa qua.
Ông Văn nhấn mạnh, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu thời gian qua cơ bản đã được ngăn chặn, nhưng vì lợi nhuận nên từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn ra, chủ yếu là đối tượng thu gom tôm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu trên thị trường, cần phải được xử lý thật nghiêm. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, cần phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như cấm hành nghề khi vi phạm đối với hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu hoặc vận chuyển, chế biến tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.
Theo Chủ tịch Hội Thuỷ sản huyện Cái Nước Dư Hoàng Nam, đã qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Nhưng muốn làm tốt vấn đề này cần phải có biện pháp quản lý tại gốc, bởi tất cả các mặt hàng lưu thông trên thị trường kể cả tôm nguyên liệu, đều vận hành theo quy luật thị trường có cầu mới có cung. Như vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tôm tạp chất rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, kiểm tra chặt chẽ từ khâu thu mua, vận chuyển đến khâu chế biến./.
Việt Tiến
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.