Nguồn tin: Báo An Giang, 15/12/2017
Ngày cập nhật:
17/12/2017
Tháng 10 (âm lịch), nước lũ rút ra sông lớn và các loài cá theo đó mà “vượt vũ môn” tìm nguồn sống. Đây là thời điểm dân câu lưới hào hứng với mẻ cá bội thu cuối mùa cùng niềm hy vọng có một cái Tết sung túc.
Những cơn gió bấc vi vu thổi qua cánh đồng xả lũ đã trơ bờ bãi. Mấy đám mạ non ở ô ruộng gò đã lấm tấm xanh, xen lẫn với màu đất xám sau mấy tháng được “tắm” trong cái mát ngọt của phù sa. Bà Nguyễn Thị Hai, người dân xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đang lui cui nấu bữa cơm trưa bên túp lều dựng tạm cạnh bờ kênh Tha La. Đã 30 mùa lũ, bà Hai mưu sinh với chiếc vó càng. Ngần ấy thời gian, nước lũ đến rồi đi như người bạn thủy chung nuôi sống gia đình bà. “Hồi đó, chỉ cần chiếc vó càng thôi là nhà tôi có thể sống khỏe trong mấy tháng nước lên. Cứ một lát kéo vó thì dính 2-3kg cá đủ loại. Thời đó cá đồng rẻ lắm, cả chục ký cá mới đổi được vài ký gạo, 6 miệng ăn của nhà tôi không bị đói. Những dịp mùng 10 hay 25 (âm lịch), cá “chạy” dữ lắm, sản lượng có thể gấp 2-3 lần ngày thường” - bà Hai chia sẻ.
Với dân câu lưới cố cựu như bà Hai, con nước cuối mùa lũ được xem là bội thu nhất năm. Những con cá đồng sau mấy tháng “lang thang” trên đồng đã lớn nhanh và theo con nước xuống kênh, rồi từ kênh ra sông lớn. “Ai sống nhờ con cá đều chờ đợi thời điểm này. Sắp nhỏ kéo dính hơn 70kg cá mỗi đêm mang ra chợ bán kiếm được 600.000-700.000 đồng/ngày. Ngặt nổi con nước cuối mùa chỉ được vài bữa nên ai cũng phải để dành mua sắm cho cái Tết” - bà Hai thật tình. Cá từ vó kéo lên được chia thành 2 loại. Những loại cá ngon có giá cao như: cá heo nước ngọt, cá kết, cá trèn… bà Hai mang ra chợ Tha La bán từ lúc 4 giờ sáng. Còn lại mớ cá hủn hỉn, bà đợi bạn hàng chạy xuống tới vó cân về ủ mắm với giá 8.000 đồng/kg. Bà bật mí, cá hủn hỉn tuy rẻ nhưng khi ủ mắm thì trở thành thứ đặc sản dân dã của người dân miền Tây, không nơi nào sánh được.
Kéo vó càng trên kênh Tha La
Cũng là dân câu lưới lâu năm, anh Phạm Văn Út (ngụ xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) hiểu mùa lũ như chính bàn tay của mình. “Con cá cuối mùa lũ là ngon nhất bởi nó đủ lớn để mình thưởng thức. Tập tính loài cá theo nước mát mà đi, chúng sẽ gom từ cánh đồng lên đến cửa đập tràn Trà Sư. Vì vậy, những ngày này dân câu lưới tập trung lại cửa đập đánh bắt cá bằng đủ cách, người thì chài lưới, người cầm vợt xúc, người ngồi câu… Người nào “yếu nghề” thì cũng được vài ký về nhà ăn, nếu là dân có kinh nghiệm thì đủ đem ra chợ bán” - anh Út tỏ ra am hiểu. Mấy năm nay, anh Út mở thêm quán phục vụ cá đồng bên cạnh cái nghề câu lưới nên đồng vô khá hơn. Tuy nhiên, anh Út vẫn háo hức chờ đợi mùa cá về sông để được tận tay bắt những con cá ngon, phục vụ thực khách khắp nơi ghé lại quán Ven Sông của mình.
Thời điểm này, lượng cá đồng dồi dào nên các món ăn tại quán của anh Út khá phong phú và giá cả cũng bình dân. “Năm nay, lũ “đãi” dân câu lưới nên ai cũng bắt được kha khá. Tôi thu mua cá tươi để phục vụ thực khách chừng 30 bàn/ngày, mình có “cơm” thì dân bà cậu cũng có “cháo”. Chỉ mong là từ đây cho đến cuối mùa nước, cá đồng sẽ có đều đều, bởi từ năm 2011 đến nay thì chỉ mùa lũ này dân câu lưới kiếm được kha khá trong mấy tháng nước lên” - anh Út thật tình.
Mùa lũ năm nay "đãi" dân câu lưỡi khá hơn. Ảnh: THANH TIẾN
Từ lâu, con xép Năng Gù nổi tiếng với nghề dỡ chà của ngư dân Châu Phú bởi yếu tố cha truyền con nối. Đặc biệt, nghề này bội thu nhất là vào thời điểm cá ra sông. Với cách khai thác cá “thân thiện” với thiên nhiên, dỡ chà mang nét độc đáo riêng, thể hiện trí thông minh của lớp ngư dân đầu tiên cắm sào trên đất đồng bằng. Năm nay, ông bảy Hồng (ngụ xã Bình Mỹ, Châu Phú) phấn khởi hơn bởi đống chà của mình dính nhiều cá so với mấy mùa nước trước. Nhanh tay rút những nhánh chà ném lên bờ, bảy Hồng khề khà: “Mùa trước, mỗi lần gạn chà chưa đến trăm ký cá. Mùa này khá hơn, sản lượng cá nhiều gấp đôi nên tôi mừng lắm. Cá dỡ chà thì đủ loại, từ cá dảnh, cá mè vinh, cá vồ đém cho đến cá chốt chuột, chốt gạo, cá ngát… đều dính hết. Bạn hàng mua với giá 17.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, vật liệu, nhân công thì tôi còn kiếm được vài triệu đồng. Nửa tháng mới dỡ chà một lần nên thu nhập chỉ đủ trang trải trong gia đình, còn một mớ dành ăn Tết”.
Những con cá nhảy “tanh tách” khỏi mặt nước khi chiếc lưới gạn chà dần thu hẹp lại khiến người xem trố mắt thích thú. Với bảy Hồng, mùa cá năm nay sẽ khá hơn bởi nước lũ còn thương những người theo nghề hạ bạc như ông. “Đám trẻ không mặn mà với nghề này nên tôi phải ráng mà theo. Nếu mình siêng năng thì chắc lũ cũng không phụ mình, chỉ mong năm nào nước lũ cũng mang đến nguồn thu khá cho chúng tôi để dân câu lưới còn có thể háo hức trông chờ mùa cá về sông” - bảy Hồng trải lòng.
THANH TIẾN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.