Nguồn tin: Tổng cục thủy sản, 22/12/2017
Ngày cập nhật:
26/12/2017
Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua trong phiên họp thường kỳ ngày 21/11/2017, ghi nhận một số điểm mới quan trọng so với Luật Thủy sản 2003. Trong đó, nổi bật lên các quy định về việc giao quyền cấp hạn ngạch cho các địa phương, các quy định của IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo theo quy định)… Những điểm mới này góp phần thay đổi diện mạo nghề cá Việt Nam, góp phần chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển hiệu quả, bền vững.
Quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương
Để phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản 2017 đã bổ sung quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Nội dung này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đánh giá là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003.
Theo đó, Luật quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương. Luật cũng quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
Bộ NN&PTNT xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố. Các tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững.
Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
Quản lý chặt chẽ tàu khai thác
Theo nội dung công bố của Luật Thủy sản 2017, việc quản lý tàu cá cũng thay đổi, chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm.
Luật quy định điều kiện của cơ sở đóng mới cải hoán, tàu cá và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Thủy sản cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Luật cũng quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Lồng ghép các quy định về IUU
Một trong những vấn đề “nóng” gần đây là việc EU giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) và theo đó, nội dung của IUU đã được lồng vào Luật Thủy sản. Cụ thể, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.
Luật cũng quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động.
Ngoài ra, Luật cũng quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản... Luật cũng quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Luật Thủy sản 2017 gồm 9 Chương, 105 Điều. Về cơ bản giữ nguyên tên Chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 1 Chương và tăng 43 Điều so với Luật Thủy sản 2003. Những nội dung mới của Luật Thủy sản 2017 gồm: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; Quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Khai thác thủy sản và quản lý tàu cá; Nội hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu; Quy định về Kiểm ngư…
Luật cũng sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản; theo đó, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019
Thu Hiền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.