Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 25/12/2017
Ngày cập nhật:
27/12/2017
Không chỉ có những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ mà ngay cả những tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hay trang trại, việc liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đến nay vẫn rất khó thực hiện. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ rủi ro và lợi ích.
Thật ra nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào hay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các HTX, THT, trang trại hay người nuôi tôm là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm vẫn chưa diễn ra như mong đợi. Các doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, được người nuôi tín nhiệm thường ít chịu tham gia vào chuỗi liên kết, mà chọn phương án an toàn hơn là làm ăn với đại lý.
Người nuôi tôm chủ yếu vẫn dựa vào đại lý, chấp nhận với mức giá cao để có đủ thức ăn, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm.
Một vấn đề khác cũng làm cho HTX, THT hay người nuôi tôm chưa thể liên kết bền vững với doanh nghiệp chính là ở yếu tố vốn. Trong khi các HTX, THT và người nuôi tôm hiện phần lớn đều thiếu hụt nguồn vốn, thì các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: thức ăn, con giống, thuốc thú y… phần lớn chỉ chấp nhận các hình thức khuyến mãi, giảm giá, chứ không chấp nhận bán nợ, nên họ buộc phải chọn đại lý để có đủ nguồn vật tư phục vụ nghề nuôi.
Liên quan đến vốn, anh Nguyễn Văn Quí, hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hòa (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn hiện đang rất hiệu quả, nhưng cái khó là vốn đầu tư cao, nên không phải ai cũng có thể đầu tư được vì phần lớn người nuôi tôm đều đang thiếu vốn. Do đó, giải pháp khả thi nhất đối với người nuôi là tìm đến đại lý để được bán nợ, dù biết rằng giá mua lúc nào cũng cao hơn 15% – 30%. Ngay như một số HTX nuôi tôm có hiệu quả, việc liên kết với doanh nghiệp có uy tín vẫn chưa thể thực hiện được, chứ đừng nói chi đến hộ nuôi nhỏ lẻ”.
Sóc Trăng hiện chỉ mới có trên 10 THT, HTX có liên kết đầu vào với doanh nghiệp, nhưng vẫn phải mua tiền mặt mới được hưởng phần chiết khấu như đại lý. Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc HTX Thành Đạt ở huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Nếu như HTX không có đủ tiềm lực về tài chính thì rất khó liên kết với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, con giống… Vì vậy, phần lớn vẫn phải chấp nhận làm ăn với đại lý mới có đủ điều kiện để nuôi”.
Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi vẫn gặp khó khăn chủ yếu ở việc chia sẻ lợi ích và rủi ro của các bên.
Chuyện bẻ kèo hay ép giá lẫn nhau là chuyện thường ngày của nghề tôm và thường xảy ra ở khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thông thường các hợp đồng liên kết sẽ lấy mức giá bình quân trên thị trường tại thời điểm lấy mẫu tôm, cộng với một tỷ lệ nhất định theo thỏa thuận. Với hình thức này, nếu thị trường bình thường việc liên kết sẽ được thực hiện suôn sẻ, còn khi hút hàng hoặc dội chợ, sẽ rất khó thực hiện và tình trạng bẻ kèo hay ép giá sẽ phát sinh.
Tại các HTX có thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu trong tỉnh, chúng tôi vẫn còn nghe những lời phàn nàn về vấn đề này. Đơn cử như tôm nuôi của HTX theo quy trình tôm sạch, nhưng doanh nghiệp chỉ mua bằng với giá tôm bên ngoài, mà không có cộng thêm đồng nào như cam kết trước đó, khiến một số thành viên bất bình và chán nản. Còn doanh nghiệp thì cho rằng, do thương lái nắm được quy trình nuôi tôm sạch của các HTX nên họ sẵn sàng trả giá cao hơn tôm bình thường, nếu doanh nghiệp lấy mức giá này cộng với khoản chênh lệch theo hợp đồng thì giá thu mua sẽ đội lên rất cao.
Ông Trần Quang Cần – Phó Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Phú ở huyện Cù Lao Dung cũng than: “Hiện vốn của HTX để bảo lãnh cho các công ty cung cấp các sản phẩm đầu vào vẫn hết sức khó khăn, nên việc ký hợp đồng cung cấp cho chuỗi vẫn chưa được như mong muốn. Ngay cả ở khâu tiêu thụ, dù hợp đồng đã có, nhưng chỉ cần số lượng không đạt cũng khó mà bán được theo giá hợp đồng”.
Dù còn nhiều xung đột về lợi ích nhưng giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm đều thấy rõ lợi ích của việc liên kết, như chia sẻ của ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam: “Khi thực hiện liên kết, người nuôi chẳng những không bị thương lái ép giá, mà còn bán được giá cao hơn giá thị trường. Điều này là rất rõ ràng, kể cả khi không bán cho doanh nghiệp liên kết, người nuôi vẫn bán được cho thương lái với giá cao nhờ có sự cạnh tranh”.
Năm nay, giá tôm ổn định ở mức cao trong suốt mùa vụ, nên dù có liên kết hay không, chỉ cần người nuôi đạt năng suất là có lợi nhuận cao. Tới đây, nếu người nuôi tôm không hợp tác, liên kết với nhau và với doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi yêu cầu thị trường ngày một khắt khe hơn, không chỉ ở chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn phải được chứng nhận an toàn dịch bệnh và nhất là truy xuất nguồn gốc.
Tích Chu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.