• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biển đã hồi sinh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/02/2017
Ngày cập nhật: 14/2/2017

Suốt một năm ròng rã, ngư dân vùng biển Quảng Trị nói riêng đã phải vật lộn với bao khó khăn để duy trì cuộc sống. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên Tết Đinh Dậu vừa qua, ngư dân vùng biển không có hộ nào thiếu đói. Đời sống vật chất vẫn duy trì ổn định và niềm tin vào biển cả lại được thắp lên trong những ngày đầu năm mới.

Ngư dân xã Hải An, Hải Lăng phấn khởi vì được mùa ghẹ

Tôi nhớ hôm có thông tin về hiện tượng cá chết trôi dạt dọc bờ biển Cửa Tùng đến Cửa Việt là một ngày tiết trời âm u. Biển dậy lên những đợt sóng cuốn theo hàng loạt cá phơi bụng xóa. Đi dọc bờ biển cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang (Gio Linh) Dương Thị Xuân với một vài ngư dân khác, tôi cảm nhận được những hệ lụy khôn lường về thảm họa môi trường biển. Suốt một năm ròng rã, ngư dân vùng biển Quảng Trị nói riêng đã phải vật lộn với bao khó khăn để duy trì cuộc sống. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên Tết Đinh Dậu vừa qua, ngư dân vùng biển không có hộ nào thiếu đói. Đời sống vật chất vẫn duy trì ổn định và niềm tin vào biển cả lại được thắp lên trong những ngày đầu năm mới.

Chỉ mới ngày mồng 2 Tết Đinh Dậu nhưng hàng trăm hộ ngư dân vùng biển bãi ngang thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã ra khơi đánh bắt hải sản. Trả lời thắc mắc của tôi về việc bỏ tết đi biển, ngư dân Hồ Văn Lanh (xã Gio Hải, Gio Linh) khẳng khái cho rằng: “Tổ tiên tôi bao đời gắn bó với nghề biển. Như anh biết đó, suốt một năm trời “bỏ biển” nên nhớ nghề biển lắm rồi. Nhiều hôm ngồi vác mặt nhìn ra biển mà thèm cái cảm giác vật lộn với sóng biển, đuổi theo từng mẻ cá đến mệt nhoài. Mặt khác đây là mùa khai thác cá khoai (còn gọi là cá cháo), một “đặc sản” đang được người dân ưa chuộng, bán được giá nên tôi quyết định bỏ vui chơi ba ngày tết để đi biển vừa có thu nhập vừa thỏa chí với nghề”.

Tại bờ biển xã Gio Hải (Gio Linh), từ ngày mùng 2 tết đã tấp nập người mua bán cá khoai. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết vụ cá khoai bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 năm sau. Vì vậy ngư dân ở vùng biển bãi ngang đã tổ chức đánh bắt cá khoai từ cuối tháng 12 âm lịch đến nay và liên tiếp trúng đậm. Trung bình mỗi ngày ra khơi một thuyền đánh bắt được từ 30-70 kg cá. Với giá bán 70.000 đồng/kg, một thuyền có thể thu vài triệu đồng/ngày. Cá biệt có thuyền chỉ trong vòng 3 ngày đi biển đã đánh bắt được 500 kg cá khoai, thu về hơn 30 triệu đồng như hộ ông Trần Quang Xiềng ở thôn 4, xã Gio Hải. Ông Xiềng cho biết: “Tranh thủ mấy ngày nắng ấm, tôi cố bám lấy biển để đánh cá khoai vì giá bán cao. Hết mùa cá khoai là chuyển sang cá nục, cá trích...Ngư dân chúng tôi vui mừng lắm vì biển đã hồi sinh trở lại, tiếp tục cho chúng tôi nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Theo thống kê của UBND xã Gio Hải, từ ngày 29/1-7/2/2017, hầu hết thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 7-10 CV của ngư dân trong xã đã ra khơi đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt được trên 50 tấn cá các loại như cá thu, ghẹ, tôm..., trong đó có gần 40 tấn cá khoai...Ông Hồ Xuân Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải (Gio Linh) khẳng định chưa có năm nào ngư dân ra khơi đánh bắt đầu năm lại đạt được sản lượng lớn và có giá trị như năm nay. Không chỉ được mùa cá khoai mà nhiều loại hải sản khác cũng dồi dào nên nhiều ngư dân trúng đậm, đem lại thu nhập cao. Cũng theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân địa phương cho rằng đến nay tầng đáy của biển đã ổn định trở lại nên nhiều loại cá chuyên sống ở tầng đáy đang sinh trưởng. Đây là tín hiệu hồi phục của biển.

Trước tín hiệu biển đã hồi sinh, hàng ngàn hộ ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng trong tỉnh hiện nay rất phấn khởi ra khơi bám biển đánh bắt hải sản. Nếu ở vùng biển Gio Hải, Trung Giang (Gio Linh) ngư dân trúng đậm cá khoai thì ở vùng biển Hải An, Hải Khê (Hải Lăng) ngư dân lại được mùa ghẹ. Bình quân mỗi ngày hai địa phương này có tới 90 đến 100 thuyền ra khơi đánh bắt hải sản các loại, đặc biệt là loại ghẹ xanh xuất khẩu sang Nhật Bản. Cứ khoảng 9 giờ sáng, dọc bờ biển này đã có hàng chục thương lái chờ sẵn để thu mua các loại hải sản này, nhất là loài ghẹ xanh để xuất khẩu. Gặp ngư dân tên Hùng ở xã Hải An, Hải Lăng, anh cho biết năm nay ngư dân vùng biển bãi ngang trúng đậm ghẹ xanh. Cứ một thuyền cập bờ các thương lái thu mua tại bãi với giá 300.000 đồng/kg ghẹ xanh, 100.000 đồng/kg ghẹ thường, 70.000 đồng/cá khoai… Theo ước tính, mỗi thuyền cá của ngư dân ra khơi trong vòng một ngày đánh bắt, thu được bình quân 3 triệu đồng/thuyền, cá biệt có thuyền thu được trên 10 triệu đồng nhờ trúng đậm ghẹ xanh.

Khởi đầu một năm mới, ngư dân lại được mùa biển sau gần một năm trời bỏ biển. Bởi trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Theo đó diễn biến tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định đối với bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản… Gần đây nhất tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì ngày 22/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường thêm một lần khẳng định môi trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Do đó, các hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.

Đầu tháng 2/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế chỉ đạo đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường biển. Mặc dù sinh vật biển đã sinh trưởng trở lại, biển đã hồi sinh nhưng các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục dõi theo những diễn biến của biển. Điều này càng tạo thêm động lực và niềm tin cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Trị nói riêng yên tâm bám biển, khai thác nguồn tài nguyên hải sản dồi dào từ biển.

HỒ NGUYÊN KHA

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang