Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 15/02/2017
Ngày cập nhật:
16/2/2017
Ngày nay, việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh trong nuôi thủy sản rất phổ biến. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng mất an toàn thực phẩm hay tình trạng vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh trên thủy sản nuôi và cả con người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm mất thị trường xuất khẩu.
Gần đây, bệnh trên tôm xuất hiện nhiều khiến chủ hồ phải thu hoạch sớm.
Lạm dụng kháng sinh
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Bình Thuận, dư lượng kháng sinh thường xuất hiện trong tôm nuôi thương phẩm là Oxy tetracycline, Chloramphenicol (kháng sinh diệt khuẩn ở nồng độ cao) và Enrofloxacin (kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn, giúp tôm nuôi ít bị tấn công gây bệnh). Dù các chất này đã được Bộ NN&PTNT cấm sử dụng, nhưng vì lợi nhuận, không ít hộ dân vẫn sử dụng bừa bãi để kích thích tôm lớn nhanh.
Ông T., người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) cho rằng: Ngoài cám thì kháng sinh là “thức ăn” không thể thiếu đối với con tôm. Gần đây, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm bùng phát mạnh nên người nuôi phải sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn rồi tạt vào môi trường nước để phòng bệnh cho tôm. Hiện nay, Enrofloxacin là loại kháng sinh có độ kháng khuẩn rộng, hiệu quả diệt khuẩn cao nhất nên được nhiều người nuôi tôm chọn sử dụng. Ngoài ra, nhiều chủ hồ tôm còn kể vanh vách tên, cách sử dụng các loại kháng sinh trong quá trình nuôi tôm mà không hề hay biết, nhiều loại nằm trong danh sách thuốc bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, việc nuôi tôm có đạt sản lượng hay không mới là mục tiêu hàng đầu của những nông dân nơi đây. Vì nếu không dùng kháng sinh mà thành công là điều vô cùng phi lý.
Trong điều kiện nghề nuôi thủy sản thâm canh ngày càng phát triển thì việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh là điều khó tránh khỏi. Theo các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến người dân lạm dụng kháng sinh một phần là do hệ thống nhân viên tiếp thị của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thủy sản quá mạnh, tư vấn tại hồ, cung cấp sản phẩm tận nơi. Bên cạnh đó, chiết khấu cao cho các đại lý, kèm theo nhiều chương trình hậu mãi, du lịch nước ngoài… nếu bán đạt doanh số. Do đó, trước những lời quảng cáo, mời chào các loại thuốc kháng bệnh tốt cho tôm thì bất cứ người dân nào cũng muốn tôm đang nuôi nhanh chóng khỏi bệnh, đạt năng suất cao.
Cần tập huấn, hướng dẫn
Theo Chi cục Thủy sản, kháng sinh vẫn được phép sử dụng trong nuôi tôm. Nếu dùng đúng loại, nồng độ và liều lượng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm, thì nó mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh gây hại trên con tôm. Tuy nhiên, hầu như người nuôi tôm không nắm được loại kháng sinh nào bị cấm sử dụng, rồi nồng độ bao nhiêu là phù hợp và thời gian cách ly bao lâu để đảm bảo an toàn. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư nuôi tôm qua cải tạo ao, sử dụng con giống chất lượng, quản lý và chăm sóc tôm nuôi đúng quy trình... thì việc trang bị kiến thức nuôi tôm an toàn cho người dân cũng là vấn đề cấp thiết. Thông thường, người nuôi thủy sản đến các đại lý kinh doanh thuốc mô tả bệnh và được các đại lý này bán thuốc mà không quan tâm đến các sản phẩm đó có phải là chất cấm hay không. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là người nuôi chưa quan tâm đến thời gian sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Theo phản ánh của người nuôi tôm, họ rất ít được ngành chức năng cung cấp danh sách các loại kháng sinh cấm cũng như liều lượng sử dụng, thời gian cách ly tương ứng với từng loại. “Đa số chúng tôi nuôi tôm theo kinh nghiệm và tự chia sẻ với nhau. Việc dùng men vi sinh để thay thuốc kháng sinh cũng là do chúng tôi thử”, ông N.V.L (Vĩnh Tân) cho biết.
Để người nuôi tôm mạnh dạn “nói không” với kháng sinh, tạp chất thì bên cạnh công tác tuyên truyền, các ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn và chuyển giao quy trình, kỹ thuật nuôi tôm an toàn cho bà con. Nhất là cách sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Mục tiêu đến cuối năm 2018, chấm dứt tình trạng tôm có tạp chất, hóa chất, kháng sinh, khẳng định thương hiệu tôm sạch trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất và kinh doanh tôm thương phẩm.
M.Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.