Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 13/02/2017
Ngày cập nhật:
16/2/2017
Trong buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp đầu năm 2017 do UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã gởi gắm không ít băn khoăn, trăn trở và nhiều đề xuất táo bạo, nhằm tạo bước đột phá cho ngành tôm trong thời gian tới.
Gỡ khó để phát huy lợi thế
Nhiều ý kiến cho rằng, vùng nuôi tôm công nghiệp lớn ở Mỹ Thanh nên phát triển kết hợp nuôi tôm với điện mặt trời.
Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp với khoảng 25.000-30.000ha. Sản lượng tôm nuôi của Sóc Trăng năm 2016 khoảng 140.000 tấn, nhưng theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, nếu tổ chức sản xuất và tận dụng tốt lợi thế vùng nuôi công nghiệp, sản lượng tôm của tỉnh sẽ không thua gì tỉnh Cà Mau, từ 200.000 tấn mỗi năm trở lên. Về lợi thế này, ông Nhiệm dẫn chứng: "Ngay cả một số nước nuôi tôm công nghiệp lớn trên thế giới, như: Thái Lan, Ấn Độ... cũng không có được một vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, liền kề nhau lớn như vùng ven sông Mỹ Thanh của tỉnh Sóc Trăng. Đây không chỉ là lợi thế lớn cho nuôi tôm, mà còn là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp".
So với các tỉnh nuôi tôm trong khu vực, hệ thống điện 3 pha phục vụ nuôi tôm của Sóc Trăng được ông Nhiệm đánh giá là số 1. Nhưng, vấn đề còn lại theo ông Nhiệm, chính là ở nguồn vốn và hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi. Ông Nhiệm so sánh: "Tại Bạc Liêu, chỉ với chiều dài 50km, đã có đến 20 tuyến kênh cấp, thoát nước. Còn cả vùng nuôi của thị xã Vĩnh Châu, hầu hết các cống đều bị đóng, nguồn nước lưu thông rất kém, môi trường nuôi không được tốt, nên nghề nuôi cứ mãi bấp bênh".
Liên quan đến vấn đề vốn cho nuôi tôm, ông Nhiệm phản ánh: "Muốn vay vốn ngân hàng, phải có thế chấp. Nhưng cả một khối tài sản khổng lồ trên đất nuôi tôm được người nuôi đầu tư hệ thống điện, dàn quạt ôxy, cùng các trang thiết bị đắt tiền khác… lại không được ngân hàng xem là tài sản. Vì vậy, nguồn vốn được vay rất ít, không đủ để nuôi hết diện tích". Về "bài toán vốn", ông Nguyễn Triệu Dõng, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển dầu khí Cửu Long, cho biết: "Nếu có đủ nguồn vốn, Công ty Cổ phần thủy sản Út Xi sẽ có điều kiện để phát huy tối đa công suất của 2 nhà máy. Khi đó, sản lượng chế biến, tiêu thụ mỗi năm có thể trên 50.000 tấn tôm, kim ngạch xuất khẩu từ 100 triệu USD trở lên".
Những đề xuất mang tính đột phá
Theo ông Nguyễn Triệu Dõng, sở dĩ nghề nuôi tôm ở Sóc Trăng vẫn còn bấp bênh, chưa có nhiều mô hình hiệu quả như một số cây trồng, vật nuôi khác là do còn nhiều khâu trong quy trình nuôi đến nay vẫn chưa quản lý được. Do đó, ông Dõng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng "khu công nghiệp nuôi tôm công nghiệp" để có đầu mối quản lý từ khâu đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm. "Nếu hình thành được khu công nghiệp nuôi tôm công nghiệp, ngoài việc có đầu mối quản lý thống nhất, còn tạo được các mối liên kết để hình thành nên chuỗi giá trị con tôm từ ao nuôi đến bàn ăn, để tiến tới xây dựng thương hiệu cho con tôm Sóc Trăng. Mặt khác, chất thải từ nuôi tôm sẽ không còn là gánh nặng cho môi trường, mà sẽ được thu gom vào các xà lan lớn để mang đi xử lý thành phân bón phục vụ trở lại cho một số cây trồng khác trong tỉnh, giúp tạo nên nguồn nông sản sạch" - ông Nguyễn Triệu Dõng lý giải.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho rằng: Vùng nuôi tôm công nghiệp rộng lớn ở Mỹ Thanh có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm công nghiệp và cả du lịch nông nghiệp. Bởi, đây là những vùng trống trải, đầy nắng và gió, nếu làm điện mặt trời kết hợp nuôi tôm công nghiệp sẽ không mất thêm nhiều đất, còn ao nuôi tôm cũng được hưởng lợi từ các tấm panel che nắng, che mưa, giúp nhiệt độ và môi trường ao nuôi ít bị biến động, nên mức độ rủi ro cũng sẽ ít hơn. Sự kết hợp này còn có thể hình thành nên một điểm du lịch hết sức độc đáo, có một không hai, đủ sức thu hút du khách. Đây là vấn đề mà tỉnh cần quan tâm nghiên cứu để có hướng kêu gọi đầu tư".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện, thời gian tới, Sóc Trăng có kế hoạch tổ chức họp mặt chuyên đề về thủy sản để ghi nhận được nhiều hơn những ý kiến tâm huyết từ các doanh nghiệp, người nuôi tôm, các nhà khoa học, nhà quản lý để có những giải pháp, cơ chế chính sách mang tính đột phá giúp ngành thủy sản tăng tốc một cách hiệu quả và bền vững.
HOÀNG NHÃ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.