Nguồn tin: Fistenet, 15/02/2017
Ngày cập nhật:
16/2/2017
Cuối năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình, doanh nghiệp Phương Nam đã thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình".
Dự án được thực hiện với hình thức hợp tác - liên doanh liên kết theo phương thức thỏa thuận. Theo đó, chủ đầm nuôi bỏ mặt bằng xây dựng ao nuôi và góp từ 50% đến toàn bộ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi và chi toàn bộ vốn lưu động/vụ nuôi. Doanh nghiệp Phương Nam có trách nhiệm cung cấp và vận hành kỹ thuật công nghệ từ khâu thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi và quy trình nuôi; đầu tư phần vốn xây dựng cơ sở hạ tầng còn lại; cung ứng con giống, thức ăn tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm. Hình thức hợp tác này cả doanh nghiệp và người dân đều có lợi. Đối với người nuôi tham gia sẽ giảm bớt được chi phí đầu tư ban đầu và tận dụng được công nghệ của Doanh nghiệp do đó nâng cao được hiệu quả sản xuất. Với doanh nghiệp tận dụng được nguồn cung ổn định và kiểm soát được chất lượng cũng như giảm chi phí vận chuyển.
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” đã giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kính của Doanh nghiệp Phương Nam đã đưa từ 2 vụ nuôi/năm (nuôi cổ truyền) lên 4 vụ nuôi/năm, đưa năng suất nuôi trồng từ khoảng 1 kg/m2 (nuôi cổ truyền) lên trên 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75 con/kg (nuôi cổ truyền) lên 30-35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.
Việc đưa từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm đã tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi. Ngoài ra, 2 vụ nuôi tăng thêm là trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía Bắc không thể nuôi tôm theo phương thức cổ truyền, việc nuôi theo công nghệ mới này giúp có tôm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán với giá bán cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi những tháng chính vụ.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính giúp người nuôi kiểm soát nhiệt độ, kiểm soát môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên nên giảm thiểu bệnh dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng, tạo điều kiện nuôi thâm canh và thâm canh cao, chủ động được thời điểm thu hoạch, nhờ đó đồng thời giải quyết được cả 2 mục tiêu là năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, sau đó là giá cả, và cuối cùng là “suất lợi nhuận” trên một đơn vị diện tích ao nuôi cũng như trên đồng vốn đầu tư.
Từ hiệu quả của mô hình mang lại, đến năm 2016, tổng diện tích “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính giữa Doanh nghiệp Phương Nam với các hộ nuôi trồng ở Thái Thụy đã lên tới trên 10 ha và đang tiếp tục mở rộng sang các xã thuộc 2 huyện ven biển Thái Bình. Mô hình đã mở ra hướng mới cho việc khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển của tỉnh Thái Bình.
Văn Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.