Nguồn tin: Fistenet, 15/02/2017
Ngày cập nhật:
17/2/2017
Những năm gần đây, Nghệ An nói chung và Huyện Quỳnh Lưu nói riêng đã đạt được những bước tiến quan trọng trong giải quyết nhu cầu về nguồn giống thủy sản trên địa bàn, nhất là nguồn giống tôm thẻ chân trắng. Để đáp ứng nhu cầu về giống, phục vụ tốt cho việc thả tôm vụ 1 năm 2017 cho các hộ nuôi, thời điểm này các cơ sở giống thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang tích cực triển khai công tác sản xuất và chú trọng đảm bảo về chất lượng tôm.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 650 ha nuôi tôm thâm canh, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa… Với diện tích đó, mỗi năm nhu cầu về nguồn tôm giống là rất lớn. Những năm trước người nuôi tôm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung giống từ các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Nhưng do vận chuyển đường dài với mật độ cao làm con tôm bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh. Nhận thấy tiềm năng, thuận lợi của địa phương cả về điều kiện khí hậu, thời tiết cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đã “vào cuộc”, đầu tiên chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến hành ương gieo rồi dần tiến tới sản xuất giống tại chỗ, bắt đầu là các tập đoàn lớn về sản xuất giống tôm như Công ty cổ phần CP Việt Nam đầu tư từ năm 2010, sau đó là Công ty giống Việt Úc, Công ty Thông Thuận, Nam miền Trung. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất trong tỉnh cũng đã bắt đầu sản xuất nguồn giống để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn tại địa phương.
Toàn xã Quỳnh Bảng hiện có 7 cơ sở sản xuất giống tôm sú, cua và ương gièo tôm thẻ chân trắng. Một năm, xã Quỳnh Bảng cung cấp cho các hộ nuôi trên địa bàn huyện và các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… 100 triệu con tôm giống, từ 25 – 30 triệu con cua với tổng giá trị từ 2 – 3 tỷ đồng. Nhờ được kiểm dịch một cách chặt chẽ từ khi lấy tôm bố mẹ cho đến khi có tôm post xuất bán nên tỷ lệ sống thường đạt rất cao. Có một điều nổi bật đó là các trại ương gièo trên địa bàn xã thường lấy mẫu nước để xác định độ mặn, độ PH của từng vùng để phân loại và thuần hóa tôm post. Nhờ đó, sau khi đưa giống ra thả đảm bảo độ an toàn nên người dân rất phấn khởi. Với nguồn giống có tại chỗ, chất lượng nên năm 2016 xã Quỳnh Bảng được đánh giá là một năm nuôi trồng thủy sản thắng lợi, tổng sản lượng đạt gần 1.000 tấn, đem thu nhập về cho địa phương trên 116 tỷ đồng. Hộ nuôi tôm ít nhất có doanh thu 400 triệu đồng, còn hộ nhiều thì lãi từ 2 – 3 tỷ đồng. Đầu năm 2017 thời tiết có nhiều thuận lợi nên hiện nay các trại giống đang khẩn trương bắt tay thực hiện các công đoạn trong việc sản xuất để cung ứng giống tôm kịp thời cho người dân trong đợt thả tôm vụ 1 sắp tới, với quyết tâm gặt hái được nhiều kết quả cao.
Một vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác quản lý giống tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài vấn đề “khan” nguồn giống vào dịp cao điểm thả, vấn đề quản lý chất lượng nguồn giống nhập từ các tỉnh khác hiện còn khó khăn. Bên cạnh đó, tuy đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nhưng vẫn chỉ mới đáp ứng hơn một nửa nhu cầu về nguồn giống trên địa bàn.
Để khắc phục các bất cập trên, thời gian tới Nghệ An chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng con giống. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản mặn, lợ trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài cung cấp cho vùng nuôi Nghệ An còn cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, mục tiêu là xây dựng Nghệ An thành Trung tâm giống thủy sản của khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, để có thể thu hút doanh nghiệp, tỉnh và các địa phương cần có các biện pháp hợp lý để tạo được nguồn quỹ đất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng đầu vào của nguồn giống. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật và sự quản lý của tỉnh trong vấn đề giống, nuôi trồng, không mua giống không rõ nguồn gốc, không qua ương gièo, hậu kiểm về thả đầm. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm, chia sẻ với người dân trong vấn đề cung ứng giống.
Văn Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.