• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đa dạng mô hình tôm - lúa

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 16/02/2017
Ngày cập nhật: 20/2/2017

Từ nhiều năm nay, người dân Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã áp dụng mô hình tôm - lúa có hiệu quả. Đây là mô hình mang tính đa dạng hóa sinh kế trong trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp thủy sản để tăng thêm thu nhập và đảm bảo nguồn vốn tái sản xuất và ổn định đời sống.

Một số mô hình tôm - lúa hiệu quả

Ông Võ Văn Hoa, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Quới đã áp dụng thực hiện mô hình tôm sú - lúa - tôm càng xanh, hiện đang lấp lại vụ lúa và nuôi ghép tôm càng xanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoa cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi có thu nhập ổn định khoảng 26 triệu đồng từ cây lúa. Vụ tôm vừa rồi, sau khi trừ chi phí, lãi được 25 triệu đồng/ha. Bây giờ, tôi đang trồng lúa và thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, thời gian này lúa phát triển tốt mà tôm càng xanh cũng có tỷ lệ sống đạt khá cao. Với diện tích 1,5ha, nếu cộng các khoản thu nhập từ con tôm sú, cây lúa và tôm càng xanh, thì mỗi năm có thể lãi được 137 triệu đồng”.

Chia sẻ về kỹ thuật, ông Hoa cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa, thì tiến hành cải tạo đất để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm. Trước tiên là dọn sạch rơm rạ trên bờ ruộng, cỏ dại xung quanh ao; sau đó tiến hành nạo vét mương bao, cho nước vào ruộng nuôi để ngâm rửa một vài lần. Bước kế tiếp là tháo cạn nước cả trên mặt ruộng và mương bao, tiến hành phơi đất đến nứt chân chim thì lấy nước vào qua túi lọc để hạn chế cá tạp xâm nhập vào ao. Sau khi lấy nước khoảng 1 tháng, khi thấy nước trong ao có màu đẹp thì tiến hành thả giống”.

Cũng theo ông Hoa, do mật độ nuôi thấp (3 con/m2) nên trong tháng đầu tiên không cho tôm ăn. Từ tháng thứ hai mới bắt đầu cho tôm ăn, trong quá trình cho ăn phải định kỳ bổ sung vitamin và chất khoáng để tôm sinh trưởng tốt, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, hóa chất khác.

Cần phát triển và duy trì mô hình tôm - lúa.

Mô hình tôm - lúa kết hợp với trồng màu trên bờ bao cũng được ông Phạm Văn Trung Liên, ngụ ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1 thực hiện có hiệu quả. Khi tôm thu hoạch xong, ông Liên tiến hành rửa phèn, mặn và dọn dẹp sạch sẽ để tiến hành gieo sạ lúa. Ông Liên “bật mí”: “Tôi chọn giống ST5 đề gieo trồng, vì đây là giống lúa có thể chịu phèn, mặn tốt, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt nên rất dễ bán được giá cao. Mọi năm, trồng lúa sau khi trừ tất cả chi phí thì lợi nhuận thu được 27 triệu đồng/ha”. Bên cạnh đó, ông Liên còn tận dụng diện tích bờ bao xung quanh trồng cây bí đỏ với diện tích khoảng 2.000m2, cho lợi nhuận ổn định khoảng 8 triệu đồng.

Cùng với quá trình phát triển, trong những năm gần đây, mô hình tôm - lúa cũng có những thay đổi, nông dân đã áp dụng cơ giới hóa trong việc làm ao nuôi tôm, mặt ruộng đã được ủi sâu khoảng 1 - 1,5m và việc nuôi tôm sú cũng dần thay thế bằng tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, một số ao chưa ủi sâu, nông dân vẫn tiếp tục làm lúa. Từ năm 2014, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát triển mạnh, điển hình như tại ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 là một trong những nơi nuôi tôm thẻ mật độ thấp luân canh thành công của huyện Mỹ Xuyên.

Ông Trịnh Văn Mẫn, ngụ ở ấp Hòa Đê cho biết: “Với diện tích canh tác khoảng 0,6ha, tôi thả nuôi tôm thẻ hơn 2 tháng là có thể thu hoạch được 600kg, lãi được hơn 56 triệu đồng. Sau khi thu hoạch tôm xong, tiến hành làm đất để xuống giống lúa ST5, hàng năm năng suất lúa đều ổn định 6 tấn/ha. Ngoài ra, tôi còn thả thêm tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa, khi tôm đạt kích cỡ 10 - 20 con/kg thì thu hoạch”.

Với mô hình tôm thẻ - lúa - tôm càng xanh toàn đực, trong 1 năm gia đình ông Mẫn đã thu được lợi nhuận gần 120 triệu đồng.

Để phát triển và duy trì mô hình tôm - lúa

Mỹ Xuyên là huyện có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng cây trồng, vật nuôi từ nuôi tôm các loại cho đến trồng lúa, chăn nuôi và trồng màu. Trong đó, tôm - lúa là mô hình sản xuất đặc trưng của huyện có tính bền vững cao, thích nghi với biến đổi khí hậu hiện nay, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí cho biết: “Nhờ áp dụng và duy trì mô hình tôm - lúa, trong những năm qua, huyện Mỹ Xuyên phát triển tương đối ổn định. Diện tích tôm thiệt hại giảm, sản lượng tôm năm 2016 đạt gần 39.000 tấn”.

Tuy nhiên, do chênh lệch thu nhập giữa nuôi tôm và lúa nên những năm tôm trúng mùa, được giá thì một số bà con không thực hiện lấp lại vụ lúa mà tiếp tục nuôi tôm, từ đó nguy cơ làm ô nhiễm môi trường chung cao, tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn lưu, ảnh hưởng đến vụ nuôi tiếp theo. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, mô hình tôm - lúa tuy có bước phát triển nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; ngoài ra, trong quy trình canh tác tôm - lúa, việc áp dụng cơ giới hóa chưa được nhiều, đặc biệt là trong thu hoạch lúa; chưa có giải pháp đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh, công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tôm - lúa còn hạn chế, việc quản lý chất lượng tôm giống gặp nhiều khó khăn.

Theo ngành chức năng huyện Mỹ Xuyên, để phát triển và duy trì mô hình tôm - lúa, trước hết phải đảm bảo giữ vững diện tích lấp lúa trên nền tôm hàng năm đạt 10.000ha; chú trọng xác định rõ vùng nuôi bán thâm canh, vùng tôm - lúa để thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả mô hình được bền vững; tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác tôm - lúa, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời, tổ chức sản xuất mô hình tôm - lúa theo hướng hợp tác, sản xuất tập trung, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã...

Việc trồng lúa trên nền tôm không những cải tạo lại môi trường sinh thái để phát triển bền vững mà hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn từ cây lúa và các loại cây trồng, vật nuôi khác trên cùng một diện tích nông hộ; tuy nhiên, những hộ nuôi tôm có điều kiện công trình đầy đủ, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng lịch thời vụ, sản xuất sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Tuyết Xuân

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang