• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Chuyện ở làng biển - Bài 2: Tài công được “chuyển nhượng” như… cầu thủ

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 17/02/2017
Ngày cập nhật: 20/2/2017

Các lao động luôn cật lực khi tàu đang đánh bắt.

Hiện nay, trên tàu cá luôn được trang bị sẵn các phương tiện hiện đại như: máy trầm ngư có thể phát hiện được cá cách tàu vài kí-lô-mét, thiết bị định vị tọa độ xác định chính xác phương hướng di chuyển, hải trình của tàu… Nhưng, chuyện chiêu mộ những thuyền trưởng (còn gọi là tài công) có đủ tài “thao lược” luôn khiến các chủ tàu lưới cào đau đầu nhất. Số tiền đến nửa tỷ “lót tay” chỉ là chi phí “văn nghệ xã giao” nếu muốn có được sự phục vụ của tài công ưng ý khi anh ta đang phục vụ cho một chủ tàu khác.

“Tướng” trên tàu

“Tụi nó còn hơn ông nội nữa thì đúng hơn chứ lính lác gì” - một cách nói thể hiện sự quan trọng của tài công trên tàu cá của ông Phan Văn Hiệp, chủ đoàn tàu lưới cào hiệu Hiệp Thành, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Theo ông Hiệp, tài công thường được chủ giao cả cặp cào lên khơi chứ chủ tàu kiêm luôn tài công như những thập niên trước hầu như không còn nữa. Bởi trong nhiều năm qua, giá cả thị trường hải sản, cũng như các vấn đề quan trọng khác thường xuyên có những sự thay đổi nhanh chóng nên chủ tàu thường phải ở trên bờ lo toan trước các thách thức đó và nhường toàn quyền lại cho tài công quyết định việc đánh bắt, quản lý thuyền viên (bạn) khi tàu đã ra khơi.

“Tài công như “tướng ngoài mặt trận” nên có quyền quyết định tất cả các việc lớn nhỏ trên tàu, thậm chí trong nhiều việc họ không cần tuân theo sắp xếp của chủ tàu mà tùy cơ ứng biến. Chúng tôi thường không tiện nêu ý kiến cho dù là chuyện rõ ràng trái ý của mình. Thí dụ như tài công đang chọn đánh luồng nước nào để thả cào và thả bao nhiêu dát (dát cào kéo dài khoảng 6 giờ - PV). Hay giá cá đang lên nhanh, chủ tàu đề nghị cập cảng gấp để tải về nhưng việc cập hay không do tình hình thực tế trên biển mà họ quyết định. Hoặc, tài công không vừa ý một bạn ghe nào đó và đuổi họ thì chủ tàu cũng không có chọn lựa nào khác, hay việc sắp xếp lại nhân sự trên tàu cũng vậy…” - ông Hiệp cho biết.

Có mặt trên một tàu cá của chủ tàu ở Bình Đại do tài công Lê Văn Đoán (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển, tôi thấy khoang của tài công được trang bị hoàn hảo nhất tàu về các dụng cụ phục vụ nghỉ ngơi, sinh hoạt và ấm áp nhất. Việc sinh hoạt, ăn uống đều có người sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu. Trên tàu lưới cào, mọi người hầu như phải là việc liên tục, thậm chí lúc cao điểm cào trúng, thuyền viên làm việc 24/24 giờ là hết sức bình thường. Tài công cũng không ngoại lệ, nhưng hoàn toàn có quyền gọi thuyền viên lên làm hộ công việc của mình để nghỉ ngơi cho lại sức. Đối với những thuyền viên lơ là trong công việc, nhiều tài công sẽ xử lý bằng cách phóng những lời lẽ “búa rìu” ngay lập tức vào tai của họ. Thuyền viên phải lắng nghe, làm theo chứ không lý luận lại. Đương nhiên, thuyền viên đó sẽ có nguy cơ bị gián mức phân chia lợi nhuận khi lên bờ.

Quyền hành của tài công trên biển là mênh mông. Nhưng, muốn có được tài công thao lược để giao quyền hành trên tàu, cánh chủ tàu phải chi đậm tiền “lót tay”, thậm chí phải giở nhiều thủ đoạn sau lưng với nhau. Một chủ tàu ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại bật mí: “Nếu liên hệ trực tiếp với tài công đang đi tàu khác thì cũng ngại. Nhưng quan trọng là dùng cách “lót tay” tài công sẽ vì sĩ diện mà từ chối ngay. Cách thường làm của các chủ tàu muốn giành tài công của chủ tàu khác là liên hệ với gia đình, đặc biệt là vợ hoặc lợi hại hơn chính là “bồ nhí” của tài công đó. Thể hiện tấm lòng chiêu mộ ban đầu bằng những món quà xã giao có giá trị khá lớn như: chiếc xe SH xịn mới toanh, được đứng tên chính chủ, kèm theo đó là một chuyến du lịch hạng sang… Nhưng có lúc cũng chẳng thu được lợi lộc gì”.

“Thẩm phán” trên bờ

Khi những dát cào đã mang hải sản lên đầy các khoang tàu, tài công chỉ việc định vị hướng tọa độ về cảng và giao lại việc điều khiển cho “cật ruột” của mình. Trong khoảng thời gian hơn một ngày đêm tàu từ nơi đánh bắt về tới cảng, tài công chỉ việc nghỉ ngơi cho tươi tỉnh, chăm sóc lại “vẻ đẹp trai” của mình. Khi bước chân lên cảng, luôn có chiếc taxi sẵn sàng chở đến bàn tiệc linh đình đã được chủ tàu sắp xếp trước. Trong khi đó, tất cả những thuyền viên còn lại phải tất bật làm những công việc cuối cùng của chuyến đi.

Theo cánh chủ tàu, tài công ngoài được hưởng phần trăm cao nhất khi chia lợi nhuận sau chuyến đánh bắt, còn đương nhiên được chia thêm ít nhất 5% phần của chủ (lợi nhuận sau mỗi chuyến, chủ tàu được chia 55%, còn lại chia cho tài công và thuyền viên - PV). Ngoài ra, chủ tàu còn phải “boa” thêm vài chục triệu đồng làm chi phí cho tài công trong khoảng thời gian chưa lên khơi.

Việc phân chia lợi nhuận trong nghề đi biển luôn rất minh bạch và công bằng theo sự đóng góp của từng vị trí trên tàu. Trong buổi phân chia lợi nhuận, tài công giữ một vị trí quyền lực tương tự như tổng giám đốc của công ty cổ phần trong đại hội chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, khi muốn nâng lên hay hạ xuống tiền chia ở vị trí nào đó thì tài công sẽ nói lên trước, đồng thời trình ra bản chấm công từng ngày trên tàu. Nếu được 2 vị trí làm trên tàu đồng ý thì thông qua và ý kiến của tài công ít khi nào bị phản đối. Đương nhiên, các vị trí đều có quyền nói lên ý kiến của mình nhưng nếu là số ít chỉ có ý nghĩa tham khảo. Mọi sổ sách, hóa đơn, chứng từ có liên quan đến chi phí chuyến đi, bán sản phẩm ở vựa… chủ tàu phải trình ra tất cả tại “đại hội” này.

“Thấy các tài công có thời “hét ra lửa” vậy chứ không phải dễ ăn đâu. Vì ngoài việc chịu trách nhiệm hoàn toàn với chủ tàu, còn phải chịu trách nhiệm với thu nhập của mười mấy anh em đi bạn trong chuyến nên có khi chỉ một chuyến không có lãi là thất sủng, thậm chí bị thay thế” - lão ngư Nguyễn Văn Giỡn, 60 tuổi, ở xã Bình Thắng, một cựu tài công lừng lẫy, từng ngang dọc trên hầu hết các tàu lưới cào loại lớn của huyện Bình Đại tâm tình.

Cũng theo lão ngư Giỡn, tài công thường phải là những người rất thông minh. Đầu tiên, họ bộc lộ sự nhạy bén khi được giao bất cứ nhiệm vụ nào trên tàu. Trong đó, quan trọng nhất chính là kỹ năng tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm khi quan sát cách mà tài công tổng hợp để phán đoán luồng nước nào có nhiều cá. Ngoài ra, sự thông minh còn được thể hiện qua tính cách khiêm nhường để hầu hết các anh em trên tàu có thiện cảm và tôn trọng. Thường thì cơ hội được lên tài công sẽ đến nếu vị tài công “đỡ đầu” muốn trở thành chủ tàu trên bờ. Tuy nhiên, những người không thông minh vượt trội nhưng hiền lành, siêng năng, đến khi lớn tuổi, có lúc cũng được anh em trên tàu đề xuất lên tài công…

“Chi phí cho tài công lớn lắm. Những tài công giỏi hiện còn giàu hơn nhiều chủ tàu ở đây nữa kìa. Người tài công chẳng những phải luôn luôn nhận ra những luồng nước đầy tiềm năng để thả cào mà còn phải có đủ uy tín để người đi bạn toàn ý tin tưởng vào quyết định của họ. Vậy nên, có tài công giỏi, chủ tàu cũng không cần cất công tìm thuyền viên. Cũng cần nói thêm là tài đó, nếu biển cả trao cho ai thì người đó hưởng chứ không có chuyện cha truyền con nối ở đây. Đó cũng là một sự thú vị của nghề đi biển. Thường thì chủ tàu sẽ đi “săn” tài công giỏi về cho tàu mình chứ ít khi chịu đào tạo nguồn từ các thuyền viên. Bởi, khi lên tài công rồi, tuổi nghề sẽ rất ngắn. vậy nên, tài công cũng sẵn sàng chuyển qua tàu khác nếu được đối đãi hậu hĩnh hơn” - ông Đỗ Văn Việt, chủ tàu cá ở xã Bình Thắng chia sẻ.

Thái Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang