Nguồn tin: Báo Nam Định, 20/02/2017
Ngày cập nhật:
21/2/2017
Xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc, Nam Định) có nhiều lợi thế tự nhiên phù hợp cho việc phát triển nuôi thủy sản nước ngọt như: có mạng lưới sông ngòi, kênh mương nội đồng phân bố trên khắp địa bàn. Nghề canh trì đã trở thành một trong những thế mạnh kinh tế của người dân trong xã.
Chăm sóc đàn cá tại hộ ông Nguyễn Văn Chiến, xóm 11, xã Mỹ Trung.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng của xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc đã quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung với các đối tượng chính là các loại cá truyền thống nước ngọt, cá trắm đen, cá cảnh thuộc địa bàn xã. Hiện nay xã có diện tích nuôi thủy sản là 111ha; năng suất trung bình mỗi năm ước đạt 2,7 tấn/ha. Nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Ngà, xóm 11; Trần Văn Trung, xóm 10; Nguyễn Thị Láu, xóm 9; Mai Trung Lam, xóm 4… Hộ ông Nguyễn Văn Chiến ngoài nuôi các loại cá truyền thống còn nuôi một số đối tượng như cá vàng, cá tam dương đã hơn 10 năm nay. Năm 2016, hộ ông Chiến thu lãi được hơn 100 triệu đồng từ cá nước ngọt. Chia sẻ về bí quyết nuôi cá thành công, ông Chiến cho biết: “Ông cha ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên trong quá trình nuôi tôi luôn chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của đàn cá để có những biện pháp phòng, chữa trị kịp thời khi cá bị bệnh. Tất cả các ao nuôi đều được vệ sinh và xử lý nước thường xuyên. Thức ăn của cá được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp… Đàn cá được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận nên ít khi bị dịch bệnh, phát triển đều. Bên cạnh đó, tôi luôn tìm kiếm, học hỏi trau dồi kiến thức nuôi thủy sản từ bạn bè, các địa phương lân cận cũng như tìm hiểu thị trường để có đầu ra ổn định”. Ông Chiến còn tận dụng diện tích mặt đất bờ ao để trồng bưởi Diễn, mướp hương, tạo thêm nguồn thu. Với những thành công đã đạt được, ông cho biết, qua tìm hiểu thị trường, năm nay ông sẽ đưa thêm một đối tượng mới là cá lăng chấm vào nuôi trong ao đất. Qua các kênh thông tin, ông nhận thấy được hiệu quả của việc nuôi cá lăng chấm trong ao đất khá thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa nuôi cá lăng chấm trong ao đất được các cơ quan chuyên môn đánh giá là ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, người nuôi không tốn công chăm sóc. Cá lăng chấm giống được ông Chiến mua tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng ở huyện Hải Hậu. Hộ ông Nguyễn Văn Ngà ngoài nuôi các loại cá truyền thống còn nuôi cá Koi, một loại cá cảnh đang được ưa chuộng. Trung bình mỗi năm ông thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Cứ mỗi đợt thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua. Ông Ngà cho biết: “Cách đây khoảng chục năm, được sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận thầu hơn 1ha đất để cải tạo nuôi cá nước ngọt. Những ngày đầu khó khăn, không có đủ tiền, tôi đã phải vay mượn thêm của anh em, bạn bè. Đến nay, với kinh nghiệm đúc kết được cũng như áp dụng các phương pháp kỹ thuật và chăm sóc đàn cá tốt nên việc nuôi thủy sản đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi”. Ngoài ra, ông Ngà còn sản xuất tại chỗ giống cá các loại. Mỗi năm ông sản xuất được khoảng 10 vạn con cá giống truyền thống và cá Koi cung cấp cho người nuôi cá tại địa phương. Từ hiệu quả kinh tế cao ở các vùng nuôi, một số hộ đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; nhiều hộ còn kết hợp làm mô hình VAC bước đầu cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Nghề nuôi thủy sản phát triển, số hộ nuôi ngày càng tăng. Khác với việc nuôi lẻ tẻ trước đây các hộ còn giữ “bí quyết”, nay các hộ nuôi thủy sản đã nhận thức được ý nghĩa của việc đoàn kết hợp tác nên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao… Nuôi thủy sản nước ngọt được xác định là một trong những ngành kinh tế chính của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Quý Nghiêm, phó Ban Nông nghiệp xã Mỹ Trung cho biết: “Để đảm bảo cho việc nuôi thủy sản phát triển bền vững cũng như động viên tinh thần cho người dân, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi thủy sản theo chiều sâu; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật cho người nuôi cá. Bên cạnh đó, UBND xã có biện pháp quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự chuyển đổi nuôi thủy sản, phá vỡ quy hoạch. Những trường hợp cố tình vi phạm, xây nhà kiên cố trên diện tích quy hoạch nuôi thủy sản đã bị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý”. Năm 2017, xã sẽ mở rộng thêm 8ha nuôi thủy sản để khuyến khích người dân thực hiện mô hình cá - lúa. Mô hình này tuy không mới nhưng để sản xuất hiệu quả, Ban Nông nghiệp xã sẽ liên kết với Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Lộc, mời các kỹ sư thủy sản về hướng dẫn, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người dân hiểu rõ các đặc thù của mô hình để từ đó vận dụng vào thực tiễn. Hy vọng mô hình sẽ đạt kết quả khả quan, mở ra một hướng đi mới mang lại lợi ích cho người nuôi cũng như cho nghề nuôi thủy sản của xã, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.