Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 17/02/2017
Ngày cập nhật:
22/2/2017
Theo quy hoạch phát triển thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, con tôm là đối tượng nuôi trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, con tôm đã dần khẳng định vị trí, vai trò chủ đạo của mình trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Đặc biệt với dư địa để phát triển còn nhiều, tương lai con tôm Quảng Ninh hoàn toàn có thể đạt được những kết quả mang tính đột phá, làm thay đổi bản đồ NTTS của tỉnh nhà.
Người dân phường Hải Hoà (TP Móng Cái) thu hoạch tôm.
Tiềm năng rộng mở
Quảng Ninh đầu tư, phát triển mạnh cho con tôm khoảng từ năm 2010 trở lại đây. Hiện toàn tỉnh có 9.692ha nuôi tôm, trong đó tôm thẻ chân trắng 3.277ha, tôm sú 6.415ha; năng suất trung bình 2,6 tấn đối với tôm thẻ chân trắng, 0,23 tấn đối với tôm sú/ha. Tổng sản lượng tôm nuôi 3 năm gần đây của tỉnh luôn đạt từ 9.000-10.000 tấn/năm. Là một tỉnh du lịch với lượng khách đến tham quan trung bình hàng năm trên 7 triệu lượt, nên lượng tiêu dùng tôm tại chỗ lớn, việc xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng thuận lợi, khiến cho đầu ra của con tôm rộng mở, giá trị con tôm được nâng cao. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, tổng giá trị của con tôm của Quảng Ninh luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2016 (tính theo giá thu mua trên thị trường), tôm thẻ chân trắng 130.000 đồng/kg; tôm sú 220.000 đồng/kg; tổng giá trị con tôm mang lại là 1.400 tỷ đồng, chiếm gần 31% tổng giá trị ngành NTTS, 19% toàn ngành thuỷ sản, 9% ngành nông nghiệp tỉnh.
Ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, cho biết: Tiềm năng phát triển của com tôm Quảng Ninh còn rất rộng mở, nếu biết phát huy sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột biến, mang lại giá trị rất lớn. Năng suất sẽ được tăng lên bởi năng suất hiện tại đối với tôm thẻ chân trắng mới đạt 60%, tôm sú mới đạt 70% năng suất trung bình toàn quốc; năng lực nuôi tôm của tỉnh mới đứng thứ 5 trong 11 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng, như vậy là chưa tương xứng với điều kiện của một tỉnh ven biển thuận lợi về nuôi tôm. Điều này xuất phát từ việc đầu tư công nghệ nuôi tôm, hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi còn kém. Thực tế những ao nuôi được đầu tư tốt đều đạt năng suất ổn định trên dưới 10 tấn/ha/năm, nhiều mô hình nuôi theo công nghệ “2 giai đoạn” đạt năng suất 15-20 tấn/ha. Mặc dù đến thời điểm này khả năng mở rộng diện tích vùng nuôi tôm toàn tỉnh không còn lớn, song việc mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi theo công nghiệp thì lại rất tiềm năng. Các vùng nuôi có cao trình phù hợp (cao hơn mặt nước biển) hoàn toàn có thể chuyển đổi từ diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc đầu tư công nghệ để chuyển diện tích đang nuôi theo phương pháp quảng canh, bán thâm canh sang nuôi công nghiệp, thâm canh.
Theo khảo sát của đơn vị chuyên môn, diện tích để có thể chuyển đổi theo diện này còn khá lớn, có thể tăng thêm hàng nghìn ha. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh đã tăng gần 1.200ha; vùng Hải Lạng (huyện Tiên Yên), Tân Bình (huyện Đầm Hà) còn có thể phát triển mới thêm khoảng 300ha. Một dư địa khác để tăng sản lượng, giá trị con tôm đó chính là việc tiến hành nuôi vụ 3 trong năm. Hiện gần 70% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đang nuôi 2 vụ/năm, toàn bộ diện tích này đều có thể tăng vụ nếu được đầu tư thêm hạ tầng, công nghệ nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, một hộ nuôi tôm vụ 3 tại phường Hải Hoà (TP Móng Cái), mặc dù suất đầu tư cho việc này lớn (khoảng 1 tỷ đồng/ha, sử dụng trong vòng 5-7 năm) song sản lượng tôm thu được rất lớn và giá bán tăng đến 60% so với 2 vụ trước đó (vì thời điểm thu hoạch giáp Tết Nguyên đán).
Giải pháp bền vững cho con tôm
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Với những giải pháp trên và cùng với sự nỗ lực từ nhiều phía, chỉ 3 năm sau, đến năm 2020, sản lượng tôm toàn tỉnh có thể đạt trên 1.600 tấn, mang về cho tỉnh trên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên để đạt được điều này, ngay từ bây giờ cần phải sớm giải quyết các “nút thắt” về chính sách, hạ tầng, giống và thức ăn cho con tôm. Theo tính toán, suất đầu tư cho nuôi tôm rất lớn, phải đầu tư hạ tầng (sử dụng trong 5-7 năm) với giá trị 1 tỷ đồng/ha chi phí nuôi mỗi vụ (về giống, thức ăn, nhân công, chi phí điện, nước, hoá chất xử lý môi trường...) lên đến 60% tổng thu. Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ lãi suất trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên việc tiếp cận thực tế nguồn vốn vay còn hạn chế. Điều này cho thấy cần phải có một chính sách hỗ trợ tài chính dành riêng cho con tôm, hỗ trợ người nuôi tôm. Bên cạnh đó, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng riêng do người nuôi đầu tư ngày càng hoàn thiện, nhiều mô hình hiện đại, thì hệ thống hạ tầng dùng chung (điện, đường, xử lý nước thải, cấp nước mặn, ngọt...) còn yếu. Toàn tỉnh chưa có vùng nuôi tôm tập trung nào được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung, vì thế nguy cơ dịch bệnh, tôm chậm lớn là rất lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi, vận động doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống và thức ăn nuôi tôm trên địa bàn, đặc biệt là đối với Tập đoàn BIM, đơn vị được mời gọi đầu tư để sản xuất giống với quy mô ban đầu đưa ra đến 120 triệu con giống/tháng. Hiện toàn tỉnh mới có Công ty CP Thuỷ sản Tân An và Công ty CP Thuỷ sản Minh Hàn sản xuất được tôm giống tại chỗ, tuy nhiên năng lực còn nhỏ bé (khoảng 500 triệu con giống/năm), mới đáp ứng gần 5% nhu cầu, còn lại phải nhập giống từ tỉnh ngoài, trong đó có không ít giống trôi nổi, không đảm bảo. Toàn tỉnh cũng chưa có cơ sở nào sản xuất thức ăn cho tôm, người dân phải mua từ nơi khác về, thường bị động, trong khi chi phí cho phần này chiếm đến 50% suất đầu tư mỗi vụ.
Có thể khẳng định, việc hiện thực hoá mục tiêu 2.000 tỷ đồng từ con tôm của Quảng Ninh không còn xa. Tuy nhiên, để giấc mơ thành hiện thực cần sự tích cực của cả tỉnh, doanh nghiệp và người dân.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Kiểm soát tốt mầm bệnh từ tôm giống”
Trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm nói riêng, chất lượng con giống có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả, hiệu quả nuôi trồng. Hiện nay, để phục vụ cho 9.692ha nuôi của tỉnh, cần khoảng 3-4 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của nhân dân, số còn lại phải nhập từ tỉnh ngoài, nước ngoài.
Theo Luật Thú y năm 2015, tôm giống trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, nếu không có bất thường thì chỉ thực hiện kiểm dịch 1 lần tại nơi xuất phát. Điều này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn trong công tác quản lý tôm giống. Trước tình hình này, chúng tôi đã tham mưu cho Sở NN&PTNT tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai việc xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh; chủ động phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng trong việc giám sát lưu hành tôm giống nhập tỉnh, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển tôm giống trên địa bàn. Theo tôi, nếu làm tốt được nhiệm vụ này, sẽ góp phần tích cực nhằm hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.
Ông Phạm Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà: “Thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ tiên tiến”
Hiện huyện Đầm Hà đã quy hoạch xong vùng nuôi tôm tập trung tại 4 xã: Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà và Tân Lập với diện tích trên 300ha. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng giao thông, hệ thống kênh tiêu xử lý nguồn nước ra vào các vùng nuôi này còn thiếu đồng bộ. Nhiều hộ nuôi tôm vẫn mang tính chất tự phát, thiếu vốn đầu tư xây dựng, cải tạo ao, đầm, các công trình nuôi, trang sắm máy móc, quy trình nuôi hiện đại, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của con tôm. Để giải quyết bài toán này, cách duy nhất mà địa phương đang làm là thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ tiên tiến vào vùng nuôi tôm tập trung. Thực tế vài năm gần đây, huyện đã kêu gọi được một số doanh nghiệp lớn đầu tư nuôi tôm. Một số doanh nghiệp lớn khác khi vào đầu tư nuôi tôm trên địa bàn huyện đã chủ động cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tôm giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi rất hiệu quả.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, chủ hộ nuôi tôm khu Hoà Bình, phường Ninh Dương (TP Móng Cái): “Cần quan tâm đến môi trường vùng nuôi”
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm tôi đúc kết được khá nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá. Theo tôi, môi trường là vấn đề quyết định đến sự thành bại của nghề nuôi tôm. Thực tế dịch bệnh trên con tôm xảy ra vào năm 2015 là một hồi chuông cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại các vùng nuôi. Tuy nhiên, hiện nay môi trường vùng nuôi vẫn đang bị các hộ nuôi trong vùng buông lỏng, ít chú ý. Đây là nguyên nhân khiến mầm bệnh trên tôm dễ bùng phát trở lại và khó kiểm soát được chúng. Rút kinh nghiệm, các hộ nuôi và chính quyền địa phương sớm phối hợp quy hoạch lại hệ thống kênh mương, xử lý nước thải hợp lý. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước nuôi tôm an toàn các hộ nên áp dụng thêm biện pháp dùng chế phẩm sinh học khử trùng tiêu độc trong ao, hồ...
Phạm Tăng - Việt Hoa (Thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.