• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vì sao “vỡ” chuỗi liên kết dọc cá tra?

Nguồn tin: Báo An Giang, 23/02/2017
Ngày cập nhật: 24/2/2017

Câu hỏi này đang được làm rõ. Song, việc tối cần thiết trong lúc này đối với hoạt động của Công ty TNHH SXTMDV Thuận An (Công ty Thuận An) là duy trì và ổn định sản xuất. Bởi, điều này sẽ giúp khoảng 1.000 lao động có việc làm hàng ngày, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.

Đột phá

Trong bối cảnh khó khăn của ngành cá tra (kéo dài 7 năm, từ 2008 – 2014), An Giang chủ động đề xuất cơ chế, xin Trung ương cho thực hiện “thí điểm” chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, trong đó có chuỗi liên kết dọc cá tra do Công ty Thuận An (Tafishco) thực hiện. Đây được xem là mô hình mang tính đột phá, đầy sáng tạo. Bởi, cái khó của người nông dân (ND) lẫn doanh nghiệp (DN) tại thời điểm đó là không còn vốn để tái sản xuất, trong khi sản phẩm cá tra vẫn tiêu thụ tốt ở thị trường thế giới. Đề xuất của An Giang đã được Chính phủ chấp nhận, cho triển khai.

Ngày 29-5-2014, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh An Giang, hợp đồng tín dụng cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đã được ký kết. Trong 4 DN đầu tiên có dự án đầu tư, sản xuất theo chuỗi liên kết, Tafishco được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho vay vốn theo Quyết định số 1051/QĐ - NHNN ngày 28-5-2014 và Quyết định số 1319/QĐ-NHNN ngày 07-7-2015, số tiền là 416 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho vùng nuôi của Tafishco là 116 tỷ đồng, vốn đầu tư cho vùng nuôi của 30 hộ nông dân liên kết là 300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31-1-2016, chỉ có 13/30 hộ ND đủ tiêu chuẩn tham gia, số còn lại chưa được xét, bởi không đạt tiêu chí mà chuỗi đưa ra. Theo đó, doanh số cho vay của 13 hộ ND là 208 tỷ đồng; doanh số thu nợ là 91 tỷ đồng và dư nợ là 117 tỷ đồng.

Đối với vùng nuôi của Tafishco, doanh số cho vay đạt 239 tỷ đồng; doanh số thu nợ là 125 tỷ đồng, dư nợ là 114 tỷ đồng. Chuỗi liên kết dọc được triển khai, ND, chính quyền và DN đều vui mừng. “Tôi xin khẳng định rằng, việc Trung ương cho An Giang thực hiện thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi, tháo gỡ được một cách cơ bản những khó khăn mà ND lẫn DN đang gặp phải, đó là vấn đề vốn để phục vụ sản xuất, vấn đề bao tiêu sản phẩm do ND làm ra. Khi được tham gia chuỗi, ND rất yên tâm sản xuất” - ông Lê Quang Vinh, hộ ND tham gia chuỗi, khẳng định.

“Rủi ro”

Nhìn lại quá trình phát triển của ngành công nghiệp cá tra cho thấy, việc tháo gỡ khó khăn về vốn chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, bởi vốn mới giúp cho ND lẫn DN tạo ra được sản phẩm để chào bán. Còn sản phẩm đó chất lượng như thế nào, giá bán bao nhiêu, có được người tiêu dùng chấp nhận? Chi phí sản xuất “vô hình” (không quyết toán được) nhiều hay ít? Nội bộ ngành cá tra có còn tình trạng bán phá giá lẫn nhau? Tình trạng gian lận thương mại có còn hay không cùng nhiều vấn đề có liên quan khác… được giải quyết hợp lý hay chưa? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu những vấn đề vừa nêu đã có đáp án, khi đó những “rủi ro” trong sản xuất, kinh doanh của ngành cá tra mới được hạn chế đến mức thấp nhất. Còn ngược lại thì khó tránh khỏi, bởi giá bán sản phẩm (đầu ra) các DN xuất khẩu cá tra lại trao cho các nhà nhập khẩu quyết định. Sản phẩm làm ra có tốt đến đâu nhưng phải chịu sự cạnh tranh “phá giá” lẫn nhau giữa các DN cùng ngành hàng hay chi phí sản xuất “vô hình” quá lớn thì tài chính trong một DN rất khó cân đối. Mất cân đối về mặt tài chính dễ đẩy DN đi đến con đường “cao bay xa chạy” là điều dễ hiểu.

Thượng tuần tháng 11-2016, một sự kiện gây hoang mang trong giới thủy sản và dư luận đã xảy ra, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc cùng chồng là ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tafishco đã không có mặt tại công ty để tiếp tục điều hành chuỗi liên kết, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương, đồng ý cho chuỗi liên kết được tiếp tục gia hạn đến ngày 28-5-2018. Việc chủ DN “vắng mặt” trong lúc này là một sự “rủi ro” của ND trong chuỗi liên kết lẫn nhân viên, công nhân nhà máy, vì có rất nhiều vấn đề liên quan cần phải giải quyết, cần sự có mặt của chủ DN. Cụ thể, chỉ riêng với ND, món nợ mà ND phải thanh toán với ngân hàng trên 129 tỷ đồng. Món nợ giữa DN với ngân hàng và DN với người dân bên ngoài (thông qua giao dịch dân sự) không hề nhỏ. Chủ DN “vắng mặt”, tình hình “xáo trộn” bắt đầu xảy ra. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã cùng với người lao động (còn ở lại) của công ty nhanh chóng duy trì và ổn định sản xuất. Tổ chức làm gia công cho Công ty Vĩnh Hoàn để có tiền trả lương cho công nhân, góp phần ổn định tình hình tại địa phương. “Hoàn cảnh gia đình bây giờ khó khăn quá. Trước đây 2 vợ chồng làm công nhân, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Số tiền này vợ chồng gói ghém sống để nuôi con. Nay, nhà máy làm gia công, thu nhập giảm đáng kể, bởi cá nguyên liệu khi có khi không, các chế độ chính sách đã bị cắt hoàn toàn. Em mong muốn, dù thu nhập có thấp nhưng được tạo điều kiện ở lại đây làm việc cho đến khi nào tình hình công ty phát triển bình thường trở lại” - Trần Thị Lan, công nhân nhà máy Thuận An 3, chia sẻ.

“Quan điểm của tỉnh là tìm mọi cách để Tafishco duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống người lao động, thiết bị máy móc không bị xuống cấp và không để ngành thủy sản xáo trộn, gây ảnh hưởng xấu. Mọi việc liên quan đến Tafishco phải được giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, hài hòa lợi ích của các bên bị thiệt hại, trong đó có ưu tiên, đảm bảo quyền lợi ND và người lao động…” - ông Phạm Sơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thông tin.

MINH HIỂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang