Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông, 23/02/2017
Ngày cập nhật:
27/2/2017
Ông Phạm Đăng Thập là người đầu tiên ở miền Tây trở thành tỷ phú từ nghề nuôi cá chép giòn.
Ao nuôi cá chép giòn của ông Thập nằm ở P. Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, An Giang đang vào đợt thu hoạch cá. Ông Thập cho biết, một đối tác bên Nga đang đặt ông 6 tấn cá chép giòn và ông đang tuyển lựa cá chép đẹp, trọng lượng lớn để nuôi vỗ thành cá giòn đưa xuất khẩu.
Ông Thập quê ở Thanh Hóa, trước đây học ngành thú y nhưng khi ra trường ông lại làm nghề du lịch. Sau khi chuyển vào An Giang sống, ông Thập lại mưu sinh với nghề nuôi bán ếch thịt, ba ba. Năm 2007, ông Thập tình cờ ra Hà Nội nghe thông tin cá chép giòn có giá trị kinh tế cao nên quyết định đi gặp các hộ nuôi cá này ở Hải Dương, Hà Nội tìm hiểu. Sau khi ăn thấy cá có vị lạ, tham khảo thêm được tài liệu các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản về chép giòn, ông Thập quyết định dẹp bỏ nuôi ếch, ba ba chuyển qua nuôi cá chép giòn.
Ông mua một lượng cá giống về nuôi thử nghiệm ở An Giang. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ nuôi ếch, ba ba và chuyên cần nghiên cứu tài liệu nuôi cá nên tỷ lệ cá nuôi hao hụt ít. Ông Thập lại áp dụng nuôi cá như nuôi tôm sú, nghĩa là gắn thêm dưới ao các quạt nước hút thổi nhằm tăng lượng oxy trong ao nên cá không bị ngộp phải kén ăn, nổi đầu. Ông Thập kể: "Cá này biết nuôi đúng cách, ít bệnh. Gọi nó là chép giòn vì đặc biệt nó là cá chép nhưng thịt không giống thịt cá mà thịt nó giòn giòn giống như món dồi trường của thịt heo, vì thế gọi ngắn gọn là chép giòn". Ông Thập nói thịt cá vị như thịt heo chẳng có bí mật nào ghê gớm, tất cả là do đậu tằm mà ra. Khi cho cá chép thường ăn đậu tằm, chúng biến đổi cấu trúc thịt trở nên giòn.
Làm sao phân biệt cá chép giòn với cá thường? Ông Thập giải thích, lúc đầu mua cá chép giống thả nuôi cho chúng ăn như chép thường, cá nuôi độ hơn 6 tháng mới tuyển lựa ra cá đồng kích cỡ rồi cho ăn đậu tằm trong khoảng hơn 3 tháng thì từ chép thường chuyển hóa thành chép giòn. Con cá được xem là giòn 100% khi bắt lên cầm trên tay cá nằm im, không giẫy giụa, phóng nhảy. Ông Thập giải thích, đặc điểm là cá chép hay phóng nhảy nên cho cá ăn đậu tằm mà cá vẫn còn nhảy chứng tỏ thịt cá chưa đạt tới độ giòn.
Hiện tại, ông Thập thả nuôi 6 bè cá chép giòn, còn nuôi ao mặt nước khoảng 4 ha. Mỗi đợt, ông Thập thu hoạch khoảng 60 tấn cá chép giòn, giá bán lẻ từ 160.000 đồng/kg trở lên tùy theo kích cỡ cá bự hay nhỏ, trừ các chi phí, mỗi năm ông thu lãi hàng tỷ đồng.
TS. Nguyễn Văn Tiến, giám đốc Trung tâm chọn giống cá rô phi, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nhận định, phải hiểu rõ khái niệm "giòn". Thực chất, đây là khái niệm mang tính thương mại nhiều hơn tính khoa học. Cá giòn được hiểu theo nghĩa đen là cơ thịt săn chắc, thịt cá khi được nấu chín, ăn vào cảm giác dai hơn thịt cá bình thường. Khi nuôi cá bằng đậu tằm đủ thời gian (5 - 6 tháng), cơ thịt sẽ săn chắc hơn cá nuôi bằng thức ăn thông thường.
Hiện nay, ông Thập nuôi cá chép giòn theo tiêu chuẩn Vietgap với diện tích mặt nước là 3 ha, mỗi năm cung ứng cho siêu thị Metro khoảng 70 tấn với giá vài trăm ngàn đồng, tùy theo mỗi thời điểm khác nhau mà giá cá khác nhau.
TUYẾT NHUNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.