Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 01/03/2017
Ngày cập nhật:
3/3/2017
Ông Vũ Đình Đàm ở KP.1, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) là người đầu tiên tại Đồng Nai nghiên cứu ra phương pháp sản xuất giống, thức ăn và nuôi thành công giống chép giòn cho thịt thơm ngon hơn hẳn giống chép giòn nhập khẩu con giống từ Trung Quốc.
Ông Vũ Đình Đàm, người đầu tiên ở Đồng Nai nghiên cứu giống, thức ăn và nuôi thành công cá chép giòn.
Ông Đàm là người có thâm niên trong nghề nuôi thủy sản hơn 20 năm. Lúc đầu, ông chuyên nuôi cá trắm, chép song thấy lợi nhuận thấp, ông đã chuyển qua nuôi cá lăng nha. Nuôi cá lăng được một thời gian, mọi người thấy loại cá này cho lợi nhuận cao nên rủ nhau nuôi nhiều, thị trường cung vượt cầu, giá lại giảm. Nhiều năm làm nghề nuôi thủy sản, ông Đàm luôn đau đáu muốn tìm ra một loài cá đặc sản có đầu ra và thu nhập ổn định. Cách đây gần 3 năm, một lần tìm hiểu trên mạng, ông nhận thấy loài cá chép giòn đang là đặc sản được nhiều nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai đặt mua. Vậy là ông tìm xuống miền Tây nơi đã có người nuôi thành công cá chép giòn để học hỏi kinh nghiệm, sau đó về nhập giống và nuôi. Cá chép giòn có đặc tính nuôi lâu, từ 10-12 tháng cá đạt 1,4 - 2 kg/con. Điều khó khăn là cá giống và thức ăn đều phải nhập khẩu nên chi phí đầu vào rất cao.
Mẻ cá chép giòn đầu tiên nuôi thành công, đầu ra được đặt trước và lời nhiều đã thêm động lực cho ông nuôi nhiều đợt tiếp theo. Dù nuôi thành công giống cá chép giòn, nhưng ông vẫn chưa bằng lòng, muốn tự mình làm ra giống, thức ăn. Sau gần 1 năm miệt mài nghiên cứu, cộng với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi thủy sản, ông đã nhập khẩu giống chép đực về cho lai tạo với cá chép cái của Việt Nam và cho ra giống cá chép giòn lai ngon hơn hẳn cá nhập khẩu. Vì cá chép giòn lai này khi chế biến thịt béo, đậm đà và thơm hơn. Do đó, các nhà hàng sẵn sàng mua cá của ông với giá cao hơn thị trường 10 ngàn đồng/kg.
Sau khi làm giống thành công, ông Đàm xoay ra nghiên cứu loại thức ăn thay thế để giảm giá thành và bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cơ duyên cũng đến khi ông phát hiện khi cho ăn đậu tằm, cá chép giòn cho chất lượng thịt tốt hơn và việc nuôi, chăm sóc cá cũng đơn giản hơn nhiều. Ông Đàm cho biết: “Sau gần 2 năm nuôi cá chép giòn, tôi đã tự nghiên cứu và tìm ra được quy trình sản xuất giống, thức ăn thay thế để giảm giá thành. Hiện mỗi ngày tôi có thể cung cấp cho thị trường 200-300 kg cá chép giòn loại 1-2kg/con”. Ngoài bán cá thịt, ông Đàm còn bán giống cho một số cơ sở nuôi cá trong tỉnh và ở miền Tây.
Ông Đàm còn chia sẻ thêm, ông đang nghiên cứu và nuôi thí điểm bước đầu đã thành công là mua loài chép thường về nuôi cho ăn đậu tằm trong 5-6 tháng, thịt cá sẽ chuyển sang săn chắc và chất lượng tương đương với cá chép giòn. Nếu quy trình này thành công, sẽ không phải mua giống và làm giống nữa mà vẫn cho ra loại cá chép giòn đặc sản thơm ngon. Tuy nhiên, nếu cá chép thường nuôi thành chép giòn phải cho ăn đậu tằm trong 5-6 tháng, thời gian này cá gần như không tăng trọng nên chi phí thức ăn khá cao.
Hương Giang
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.