Nguồn tin: Báo Nam Định, 02/03/2017
Ngày cập nhật:
3/3/2017
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng tháng 3 đến tháng 5 năm nay, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa có khả năng thiếu hụt, mùa mưa có khả năng đến muộn hơn ở khu vực Bắc Bộ, có thể xuất hiện tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ. Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện hướng dẫn người dân nuôi thủy sản chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi, tránh giảm hiệu quả của cả vụ.
Anh Nguyễn Văn Liêm, xóm Cồn Tròn Tây, xã Hải Hòa (Hải Hậu) chăm sóc tôm thẻ chân trắng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, môi trường nước mặt ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến sự phát triển của thủy sản. Hơn nữa do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thường thay đổi đột ngột, ngày nắng nóng, đêm và sáng sớm lạnh khiến nhiều loại con nuôi thủy sản hay bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các loại khí độc như H2S, NH3… làm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Vì thế, ngay từ đầu năm, Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tham mưu với Sở NN và PTNT thành lập các tổ công tác bám sát vùng nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh và thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tiến hành lấy mẫu cảnh báo môi trường, kịp thời, phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi thủy sản, cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục cần thiết; đặc biệt quan tâm đến 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Ngoài sự giám sát, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, người nuôi cũng cần phải tự nâng cao nhận thức, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản như: tăng cường giám sát, khai báo, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh tới các đơn vị chuyên môn thú y thủy sản. Đặc biệt, các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú thường hay mắc các bệnh như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan cấp… người nuôi cần phải chú trọng hơn cả. Khi các ao, đầm nuôi bị dịch bệnh phải tiến hành xử lý ngay không để lây lan trên diện rộng. Tùy theo tình hình thực tế ao nuôi thủy sản đã mắc bệnh để có những biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan sang các ao nuôi khác. Theo hướng dẫn của các kỹ sư thủy sản, đối với những ao, đầm nuôi thủy sản khi phát hiện bị dịch bệnh cần chú ý không xả nước thải, chất thải chưa xử lý ra ngoài môi trường; không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường; rắc vôi quanh bờ ao để khử trùng… Công tác xử lý phải theo đúng trình tự, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Sau khi xử lý, để có thể tiếp tục nuôi thả, chủ các cơ sở nuôi cần thực hiện vệ sinh, khử trùng theo quy định đảm bảo không còn mầm bệnh và vệ sinh môi trường tốt. Tại một số vùng nuôi thủy sản tập trung như ở các xã: Hải Hòa, Hải Triều (Hải Hậu); khu Đông Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được các cán bộ thủy sản cũng như người dân chú trọng. Anh Nguyễn Văn Liêm, xóm Cồn Tròn Tây, xã Hải Hòa cho biết: “Trước khi thả hơn 1 triệu con tôm thẻ chân trắng giống được nhập từ tỉnh Ninh Thuận về, tôi đã rắc vôi bột, cải tạo lại toàn bộ ao đầm nuôi. Trong quá trình nuôi tôi luôn chú ý cho tôm ăn đủ khẩu phần, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Ngoài ra tôi còn định kỳ 2 lần/tuần trộn VitaminC vào thức ăn cho tôm theo đúng liều lượng và cách sử dụng của nhà sản xuất để nâng cao sức đề kháng cho tôm cá. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp nên không thể lơ là các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm”. Nhờ chú trọng công tác phòng bệnh cho thủy sản, thực hành đúng kỹ thuật nên đàn tôm của anh Liêm luôn đạt kết quả tốt. Với diện tích 1,5ha nuôi tôm, mỗi năm trừ chi phí hộ anh Liêm thu nhập bình quân khoảng 800 triệu đồng. Bên cạnh các hộ nuôi thủy sản nước mặn thì những hộ nuôi thủy sản nước ngọt cũng đã nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho cá. Hộ ông Hoàng Minh Thiện, xóm 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm đen, cá trôi, cá chép… Ông cho biết: “Thời tiết diễn biến thất thường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà các đối tượng nuôi thủy sản cũng vậy. Nghề “canh trì” lại là nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho chúng tôi nên nếu không chủ động theo dõi sức khỏe của đàn cá để tìm ra những biện pháp phòng, chống hiệu quả thì sản xuất sẽ không thể đạt được kết quả cao, tác động luôn đến thu nhập. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do các cơ quan chức năng, huyện, xã tổ chức tôi đã hiểu biết được thêm nhiều phương thức phòng, chống bệnh cho cá”.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, Sở NN và PTNT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên ngành thủy sản; lịch thời vụ; phương pháp cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản, thả giống đã qua kiểm dịch; xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản tới các hộ nuôi./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.