Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 08/03/2017
Ngày cập nhật:
9/3/2017
Phát triển thủy sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh Phú Thọ bởi tiềm năng trên lĩnh vực này là rất lớn nhưng mới chỉ khai thác được ở quy mô nhỏ. Trong khi ở các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam… năng suất nuôi thâm canh có thể lên đến trên 10 tấn/ha/vụ thì ở tỉnh ta mới chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha/năm.
Thu hoạch cá lồng ở xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng.
Đến cuối năm 2016, tổng diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh đạt 10.126ha, trong đó diện tích nuôi chuyên thâm canh là 1.600ha; nuôi bán thâm canh là 3.750ha, còn lại là diện tích nuôi thời vụ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 1.300 lồng cá, với nhiều giống cá mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào sản xuất như lăng, nheo, chép lai, trắm đen… Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 đạt gần 33.000 tấn, trong đó sản lượng từ cá lồng đã đạt gần 3.900 tấn…
Có lợi thế về mặt nước thuận tiện song việc nuôi thủy sản ở tỉnh ta đa phần vẫn dừng ở quy mô vừa và nhỏ. Hình thức trang trại, đặc biệt là trang trại chuyên thủy sản còn ít. Nhìn chung, các trang trại này đều có năng suất đạt từ 4,5 - 6 tấn/ha/năm; doanh thu khoảng từ 170 triệu đồng/năm trở lên; lợi nhuận bình quân đạt khoảng xấp xỉ 70 triệu đồng/năm trở lên. Nuôi thủy sản theo hình thức trang trại có nhiều điều kiện thuận lợi như: Có thể chủ động về giống do đặt trước các nơi nuôi ương; có nhiều ao nuôi nên thuận tiện trong việc lựa chọn giống, hình thức nuôi, thâm canh, gối vụ nên sản phẩm đa dạng, thời gian thu hoạch rộng không bị ép giá. Bên cạnh đó, loại hình trang trại còn được ưu đãi do được thụ hưởng một số chính sách khuyến khích của tỉnh, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…
Để thủy sản phát triển và đạt năng suất cao, nguồn cung con giống đáp ứng có vai trò vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, Chi cục Thủy sản đã tập trung đầu tư cả nhân lực và cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng con giống, đáp ứng phần nào yêu cầu của người nuôi. Toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất cá bột, 2 làng nghề và 23 khu ương giống tập trung. Riêng trong năm 2016, các cơ sở sản xuất, ương nuôi giống trên địa bàn đã sản xuất được khoảng 4 tỷ con giống các loại; cung ứng cho thị trường trên 120 triệu con. Ngoài ra, Chi cục đã triển khai, ứng dụng 2 đề tài, dự án Khoa học được đánh giá xuất sắc là đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và thí điểm nuôi thương phẩm cá Bỗng tại tỉnh Phú Thọ” và dự án được phê duyệt là dự án cấp Nhà nước: “Khai thác và phát triển nguồn gen cá Anh vũ, cá Lăng chấm”.
Chúng tôi đến gia đình ông Phùng Văn Thụ ở khu 5, xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa đúng lúc ông đang chỉ đạo nhân công nạo vét ao để rắc vôi, khử trùng trước khi bơm nước chuẩn bị cho vụ thả cá mới. Ông Thụ tâm sự: “Toàn xã có gần 70ha nuôi thủy sản, gia đình tôi có khoảng hơn 1ha nên lượng con giống cần rất lớn và đa dạng. Bên cạnh các loại cá truyền thống như trắm cỏ, chép, trôi, mè hiện giờ người nuôi cá ở địa phương cũng đang nghiên cứu thả thêm một số loại khác như trắm đen, chép lai V1, vược, rô phi đơn tính… Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Mấy năm trước, muốn mua cá hương, cá bột của các giống này khá khó do nguồn cung trong tỉnh không đủ, nhưng hiện nay đã đỡ hơn rất nhiều”.
Còn ông Nguyễn Văn Học ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ cũng đang chuẩn bị cho vụ mới cho biết: “Nguồn giống do Chi cục Thủy sản và các trại vệ tinh trên địa bàn tỉnh cung cấp đảm bảo chất lượng nhưng đôi khi thời gian muộn so với thời vụ thả nên sẽ ảnh hưởng đến năng suất, trọng lượng cá. Do đó tôi thường phải mua ở Hải Dương, Hải Phòng… để đảm bảo thời gian do gia đình thường thả sớm ngay từ đầu vụ. Nếu như Chi cục Thủy sản có thể cung ứng giống thường xuyên thì sẽ có hiệu quả cao hơn”.
Để chuẩn bị có con giống tốt phục vụ cho thị trường thủy sản, Chi cục đã thực hiện việc rà soát, chăm sóc đàn cá hậu bị, cá bố mẹ của các cơ sở sản xuất cá bột trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lựa chọn đàn cá bố mẹ tốt, sạch bệnh; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất con giống nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian ương nuôi, cung cấp con giống đảm bảo kỹ thuật khi chuyển giao cho cơ sở và người nuôi. Để có thể tiếp tục nâng cao năng suất, tổng sản lượng thì ngành thủy sản đã và đang khuyến khích người dân nuôi thả tập trung theo hình thức trang trại, gia trại kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp; tăng mật độ cá thả đối với diện tích nuôi cá bán thâm canh, ao hồ rộng hoặc diện tích nuôi thả 1 vụ; tham mưu, đề xuất với ngành nông nghiệp, UBND tỉnh một số chính sách hỗ trợ cho người nuôi thủy sản nhằm tiếp tục đưa ngành thủy sản đạt được những kết quả tích cực trong những năm tiếp theo.
Hùng Cường
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.