• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

'Ngũ quý' xứ Tuyên, đặc sản tiến vua

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 10/03/2017
Ngày cập nhật: 12/3/2017

Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Cao Bằng, Hà Giang rồi đổ vào các huyện Na Hang, Chiêm Hóa và Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang. Sông quằn quại qua những vực núi dựng đứng để mang về 5 loài cá đặc sản tiến vua. Người xứ Tuyên gọi là "ngũ quý" gồm cá lăng, chiên, bỗng, dầm xanh và anh vũ.

Cá đặc sản, "ngũ quý" tiến vua được chọn là khâu đột phá trong phát triển thủy sản của Tuyên Quang

Những công trình thủy điện trên dòng sông Gâm liên tục được xây dựng đã làm mai một dần nguồn "ngũ quý" tự nhiên ban tặng. Đòi hỏi phục tráng giống, nuôi trồng thủy sản bền vững theo tinh thần tái cơ cấu đã thôi thúc những người làm công tác nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang có được những thành công bước đầu, mở ra cơ hội sản xuất "ngũ quý" quy mô lớn.

Khai phá tiềm năng

Ông Nguyễn Công Nông, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có tiềm năng, lợi thế trên 11.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản.

Đến năm 2014, tổng diện tích nuôi thả cá trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt 11.228ha, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005. Thực tế đó đã hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông hồ theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2014 đạt trên 6.200 tấn (gấp 3 lần so với năm 2005). Giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2006 - 2014 tăng bình quân 13%/năm.

Mặc dù diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh như vậy nhưng việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn đơn lẻ, kỹ thuật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, mang tính tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương. Các khâu trong quá trình sản xuất còn khá đơn giản, sử dụng các phương thức chăn nuôi thủ công, thô sơ là chính, chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các phương tiện cơ giới hóa trong chăn nuôi.

Từ lợi thế diện tích nuôi trồng, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng lộ trình phát triển thủy sản với mục tiêu phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi loài cá bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Theo đó, địa phương đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2025 định hướng 2035, xác định tập trung phát triển 5 loại cá đặc sản là cá chiên, bỗng, dầm xanh, anh vũ và lăng. Mục tiêu, phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng sản xuất tại địa phương và hướng tới xuất khẩu.

Sản xuất cá tiến vua

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, để chương trình thủy sản với mục tiêu phát triển bền vững được đảm bảo thì việc chủ động tạo nguồn giống là nhiệm vụ trọng tâm.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống cá dầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo” của tỉnh Tuyên Quang đã được Viện Nghiên cứu cuôi trồng thủy sản I phối hợp, chuyển giao. Cá dầm xanh và anh vũ là 2 giống cá quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bắt tay vào thực hiện đề tài, cán bộ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã lặn lội trên hầu hết các sông của Tuyên Quang, Hà Gang, Cao Bằng.

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Từ đây, một số cá sinh sống tự nhiên đã được thu gom để chăm sóc, nuôi dưỡng và thuần hóa. Đến nay, thông qua phối hợp, tiếp nhận công nghệ, Chi cục Thủy sản Tuyên Quang đã cho cá dầm xanh, anh vũ đẻ thành công 8 đợt sinh sản bằng phương pháp nhân tạo, thu được gần 3.000 cá giống.

Bà Trần Thị Phú, xã viên HTX Quý Long, xã Thái Long, TP Tuyên Quang cho biết, thông thường việc nuôi 2 loại cá trên gặp nhiều khó khăn vì không tìm được nguồn giống. Mặt khác, nếu có thì ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên. Do được đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới nên cá hay bị vẹo sống lưng, không thể phát triển bình thường. Mặt khác, kỹ thuật nuôi, chăm sóc cũng chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm nên kết quả nuôi trồng không ổn định. Sự thành công của đề tài nhân giống cá sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản địa phương.

Tương tự, giống cá lăng chấm cũng được Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận và chuyển giao thành công công nghệ sản xuất. Đối với giống cá chiên, đây là loài mà nếu giống được lấy ở sông nào thì sẽ chỉ thích ứng sinh trưởng và phát triển trên dòng sông đó. Thông qua Trung tâm Tư vấn, thiết kế và chuyển giao công nghệ thủy sản, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, giống cá chiên đã được đưa về Tuyên Quang nuôi trồng và đạt kết cao với tỷ lệ hao hụt rất thấp. Giống cá bỗng thì nguồn cung tại địa phương đã cơ bản đảm bảo nhu cầu.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo quy hoạch phát triển thủy sản đúng lộ trình, Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi các đặc sản trên sông, hồ thủy điện, đặc biệt định hướng phát triển lồng nuôi có kích thước lớn (trên 100m3) và xác định đây là bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu các đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.

Từ cơ chế khuyến khích hỗ trợ như vậy, tại huyện Na Hang hiện nay đã có 400 lồng cá, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn là: Cty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang, Cty TNHH Nhật Nam, Cty TNHH Thường Mai. Với hình thức chăn nuôi tập trung, sản xuất lớn theo quy mô công nghệ hiện đại và sử dụng các loại thức ăn tại chỗ (các loại cá tạp giá trị kinh tế thấp) cộng với chất lượng môi trường nước sạch nên sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng được đảm bảo. Vừa qua, Cty Long Giang và Cty Nhật Nam đã được Bộ NN-PTNT công bố là 2 trong số 69 địa chỉ cung cấp “thực phẩm sạch” trên toàn quốc.

Ông Phạm Thanh Bình ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, nghề nuôi cá lồng xuất hiện ở Thái Hòa cách đây khoảng 5 năm. Từ một vài hộ đầu tiên, giờ Thái Hòa đã có gần 50 hộ nuôi trên 100 lồng cá chiên, bỗng. Nhờ nuôi cá lồng, nhiều hộ gia đình cho thu nhập cao từ 100 triệu đồng trở lên. Chắc chắn, nghề nuôi cá lồng sẽ ổn định và phát triển mạnh hơn nữa khi giống cá được đảm bảo ổn định về chất lượng và sự thích nghi.

Đảm bảo sự phát triển bền vững, Tuyên Quang thực hiện dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương có sự tham gia của cộng đồng dân cư; thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia; tiếp tục đầu tư xây dựng trại sản xuất giống thủy sản để cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200ha; có trên 1400 lồng cá với 50% là cá quý hiếm, đặc sản. Đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.700 tấn, trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.140 tấn.

ĐỒNG VĂN THƯỞNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang