Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 14/03/2017
Ngày cập nhật:
15/3/2017
Những ngày qua, vùng biển của tỉnh Bình Thuận “nóng” lên bởi hành vi dùng chất nổ để khai thác hải sản. Không chỉ vậy, tình trạng giã cào bay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm bởi tính manh động của một số đối tượng, trong khi đó công tác quản lý hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…
Tàu cá NT 90305 TS và tang vật của ngư dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận bị lực lượng Thanh tra thủy sản tỉnh bắt, tịch thu khi sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản.
Đánh bắt tận diệt
Chỉ trong một thời gian ngắn, một số ngư dân thiếu ý thức đã ném hàng chục quả mìn xuống biển để khai thác hải sản. Đó là tình trạng vừa diễn ra tại khu vực ven biển xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (Tuy Phong). Ngay khi nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương ngăn ngặn, xử lý nghiêm. Bước đầu, Công an huyện Tuy Phong xác định “thủ phạm” là 2 tàu cá đến từ xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Ông Trần Anh Tuấn - Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản), cho biết: Sau Tết Đinh Dậu, trạm phát hiện biển Tuy Phong có luồng cá cơm ven bờ liền tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ thường xuyên. Tuy nhiên, khi lực lượng bảo vệ thủy sản vừa về để sửa chữa tàu thì một số đối tượng ở Cà Ná lại lén lút sang Tuy Phong dùng mìn để đánh bắt cá. Trước đó, trạm cũng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp dùng xung điện để khai thác hải sản - những hành vi trên đều là kiểu đánh bắt tận diệt, rất nguy hại đến môi trường.
Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: So với những năm trước, số vụ đánh bắt hải sản bằng chất nổ nay đã giảm đáng kể; trước đây các đối tượng thường đánh chất nổ dưới đáy, nay chuyển sang đánh trên mặt. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng trên là rất khó bởi chế tài chưa đủ mạnh. Theo quy định hiện hành, đối tượng chỉ bị khởi tố khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang sử dụng 1 kg chất nổ trở lên. Trong khi đó, việc tiếp cận tàu cá có hành vi vi phạm không đơn giản, khi phát hiện Thanh tra thủy sản, đối tượng liền tẩu tán tang vật xuống biển.
Nguy hiểm như... tàu giã cào bay
Không chỉ nguy hại đến môi trường và nguồn lợi thủy sản khi khai thác bằng chất nổ, việc tàu thuyền hành nghề lưới kéo có công suất lớn (còn gọi giã cào bay) cũng uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của cán bộ kiểm ngư. Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 58 trường hợp tàu hành nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến gây bức xúc trong cộng đồng ngư dân. Trong đó có 11 vụ tàu giã cào bay có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, coi thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng với tính chất, mức độ hết sức nguy hiểm, như: đổ nhớt lên be tàu (để cán bộ kiểm ngư không thể lên tàu), dùng xích đánh cán bộ, khi cán bộ lên xử lý, kiểm tra thì không hợp tác, thậm chí có trường hợp chở cán bộ ra ngoài khơi rồi cắt thúng ném cả người và thúng xuống biển…
Theo ông Huỳnh Quang Huy, nguyên nhân của tình trạng trên do lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của chi cục quá mỏng (36 thành viên), được trang bị 2 tàu tuần tra 660 CV (đóng năm 1997 và 2000) nay đã xuống cấp, nhưng phải quản lý vùng biển rộng 60.000 km2, do vậy sẽ không đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng gió vượt cấp 5. Trong khi đó, tình hình vi phạm trên biển ngày càng phức tạp, hầu hết các tàu cá vi phạm đều được trang bị công suất lớn, tốc độ cao.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ trên biển.
Dụng cụ xung điện đánh bắt hải sản bị tịch thu.
Để quản lý chặt chẽ hoạt động giã cào bay, ngày 27/2/2017, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm đóng mới tàu cá hành nghề lưới kéo trong cả nước, hạn chế hoạt động của nghề lưới kéo, tăng cường năng lực quản lý đối với các tỉnh có nhiều tàu thuyền hành nghề lưới kéo, sớm có phương án thống nhất trong hoạt động của lực lượng kiểm ngư trên toàn quốc. Song song đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận kiến nghị Quốc hội và các cơ quan Trung ương sớm sửa đổi và ban hành Luật Thủy sản. Trọng tâm là xây dựng chế định về kiểm ngư; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm ngư; tổ chức, trang bị, chế độ chính sách đối với kiểm ngư và thẩm quyền điều hành lực lượng… Chắc chắn rằng, khi những kiến nghị của tỉnh sớm được giải quyết; những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhanh chóng được tháo gỡ thì tình trạng khai thác hải sản bằng chất nổ, xung điện sẽ giảm đáng kể, không còn tàu hành nghề giã cào hoạt động sai tuyến.
Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Chi cục Thủy sản tỉnh quá mỏng (36 thành viên), được trang bị 2 tàu tuần tra 660 CV (đóng năm 1997 và 2000) nay đã xuống cấp, nhưng phải quản lý vùng biển rộng 60.000 km2, do vậy sẽ không đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng gió vượt cấp 5
LÊ PHÚC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.