Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/03/2017
Ngày cập nhật:
15/3/2017
Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), kết quả quan trắc mới đây cho thấy các chỉ tiêu hóa lý và hàm lượng vi sinh vibrio spp tại các vùng quan trắc đều nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đối với nước nuôi thủy sản không đạt hoặc vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại một số vùng nuôi. Người nuôi cần tăng cường quản lý môi trường ao nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh trên thủy sản nuôi…
Hiện nay, hàm lượng Fe vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phước Long, Phước Giang và Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) dao động từ 0,63-0,79mg/l. Hàm lượng NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Vũng Tàu (huyện Đông Hòa). Chỉ tiêu PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Mỹ Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An). Chỉ tiêu H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Mỹ Phú, Phước Long, Phước Giang và Hòa Xuân Đông, dao động 0,04-0,09mg/l. Hàm lượng TSS vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi tôm hùm Phước Lý, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), Mỹ Phú và Hòa Xuân Đông, dao động từ 55-120mg/l SiO2. Hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phước Lý với 4,8mg O2/l. Hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Phú Dương, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu). Còn hàm lượng NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với nước cấp từ giếng khoan ao nuôi tôm thẻ ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) với hàm lượng 0,65mg/l. Chỉ tiêu NO2 vượt 10 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép đối với nước trong ao nuôi tôm thẻ ở vùng nuôi Phước Giang. Chỉ tiêu H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với nước trong ao nuôi tôm thẻ vùng nuôi Phước Giang ở mức 0,04mg/l.
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, khuyến cáo: Hiện nay, ban ngày trời có nắng, thỉnh thoảng có mưa phùn ở vài nơi trong tỉnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm biến động rất lớn nên thủy sản nuôi gặp nhiều bất lợi. Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không cấp nước trực tiếp từ ngoài sông, mương vào ao nuôi, mà phải cấp nước qua ao lắng và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh từ ngoài vào ao nuôi. Đồng thời, các hộ nuôi cần tăng cường bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm, cá nuôi. Tại vùng nuôi Vũng Tàu và nước cấp từ nước giếng khoan các ao nuôi ở Xuân Cảnh có nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm nên người nuôi tôm cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH. Định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao. Nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Phước Giang có nguy cơ bị ô nhiễm, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao, xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật.
Thời gian tới, vùng Mỹ Phú có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo rất cao. Do đó, người nuôi thủy sản ở khu vực này cần xử lý nước định kỳ đối với các ao nuôi đã thả giống, các ao chưa thả giống cần xử lý nước thật kỹ nhằm giảm hàm lượng PO4 dưới ngưỡng cho phép trước khi thả nuôi. Các hộ nuôi cần kiểm tra các thông số môi trường định kỳ nhằm giúp cho tôm nuôi tránh bị stress. Tại các vùng nuôi có H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S. Tại các vùng nuôi có hàm lượng TSS vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi nên sử dụng các loại vôi zeolite, diatomite và chế phẩm sinh học để làm trong nước. Các vùng nuôi có hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép và hàm lượng TSS vượt ngưỡng cho phép có nguy cơ tồn đọng nhiều chất hữu cơ, thiếu ôxy vào sáng sớm nên cần nuôi ghép nhuyễn thể bằng hệ thống dây treo xung quanh lồng nuôi tôm hùm để cải thiện môi trường nước. Tại vùng nuôi hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Hiện nay đang vào đầu vụ nuôi nên người dân cần lưu ý thu gom và xử lý chất thải đúng quy định, nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm thủy vực, đặc biệt là vùng nuôi tôm hùm các hộ nuôi nên thu gom vỏ ốc, vỏ tôm hùm, không vứt xuống đầm, vịnh.
NGỌC NHƯ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.