Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 14/03/2017
Ngày cập nhật:
16/3/2017
Ngày 12-3, hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy Đường Khánh Hòa (thuộc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa) đóng tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) gặp sự cố khiến một lượng nước thải thoát ra đầm Thủy Triều. 2 ngày sau, tôm, cá trong đầm và nhiều đìa nuôi của người dân chết hàng loạt trên diện rộng.
Thiệt hại lớn
Ngày 14-3, có mặt tại khu vực ven đầm Thủy Triều dọc 2 thôn Tân Quý, Suối Cam (xã Cam Thành Bắc), chúng tôi thấy rất nhiều loại cá biển đã chết dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối nồng nặc do xác cá phân hủy dưới nắng gắt. Ông Nguyễn Khả Trọng - Trưởng thôn Suối Cam cho biết: “Hiện tượng cá chết trong đầm bắt đầu xuất hiện từ sáng 13-3. Cá lớn, cá nhỏ đều chết trắng, đặc biệt nhiều loại cá ở tầng đáy như: hồng, chai, bống, chình biển, thậm chí cua và ghẹ cũng chết”. Ông Trần Văn Thông (thôn Suối Cam), người chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng cá chết hàng loạt mấy ngày qua, kể: “Đã nhiều năm gắn bó với khu vực này, chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như vậy. Hôm nào tôi cũng đi biển và phát hiện cá chết lác đác khoảng 2 ngày nay, nhưng rộ nhất là ngày 13-3. Thấy cá chết, nhiều người dân trong xã kéo nhau ra vớt về làm thức ăn cho heo. Riêng tôi vớt được hơn 1 tạ cá dạt vào bờ”. Ông Nguyễn Công Bằng (thôn Tân Quý) cũng cho biết: “Sáng qua, tôi ra đầm thì thấy cá chết dạt vào trắng bờ. Tôi chạy về lấy thùng ra vớt được hơn 1 tạ chủ yếu là cá dìa, con nào mới chết thì để ăn, còn lại đem bán cho người ta làm thức ăn cho heo. Sau đó, nhiều người khác cũng ra đây vớt cá chết, có người vớt được vài tạ”.
Ông Nguyễn Văn An vớt tôm chết trong đìa
Không chỉ các loại thủy sản tự nhiên trong đầm chết hàng loạt, nhiều hộ có đìa nuôi tôm, cá mú, ốc hương cũng bị thiệt hại nặng nề do đối tượng nuôi chết hàng loạt trong mấy ngày qua. Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Suối Cam) bần thần nói: “16 vạn con tôm thẻ chân trắng thả nuôi được gần 2 tháng và 60 vạn con ốc hương thả nuôi được hơn 7 tháng của gia đình tôi đều chết sạch trong 2 ngày nay, ước thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng”. Ông Phúc cho biết thêm, tối 12-3, ông mở ống cống đưa nước từ đầm Thủy Triều vào ao đìa. Được hơn 10 phút, ra kiểm tra thì thấy nước ngoài đầm vào có màu đen, bốc mùi hôi. Khoảng 30 phút sau, tôm trong đìa nổi lờ đờ và bắt đầu chết. Đến sáng 14-3, ông ra kiểm tra thì toàn bộ 2 đìa tôm và 1 đìa ốc hương chết sạch. Nghi ngờ nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm là do Nhà máy Đường Khánh Hòa xả thải nên ông đã báo cho chính quyền xã, huyện, công an môi trường xuống kiểm tra, lấy mẫu nước.
Trong đêm 12-3, gia đình ông Nguyễn Văn An (thôn Suối Cam) cũng bơm nước từ đầm Thủy Triều vào 3 đìa nuôi hơn 150 vạn con tôm thẻ chân trắng. Đến sáng hôm sau (13-3), ông ra đìa cho tôm ăn thì thấy tôm chết đỏ ao. “Vì lấy nước vào ban đêm nên tôi không phát hiện nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm. Ước thiệt hại của gia đình hơn 400 triệu đồng. Tôm chết sạch, khoản nợ gia đình vay đầu tư nuôi tôm chưa trả hết, giờ tôm chết không biết gia đình tôi phải làm gì để có tiền trả nợ. Chúng tôi chỉ mong các ngành chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân. Nếu nguồn nước đầm Thủy Triều bị ô nhiễm do nhà máy đường xả thải thì phải buộc họ bồi thường thiệt hại cho người dân”.
Nước đầm Thủy Triều khu vực gần Nhà máy Đường Khánh Hòa đen ngòm
Hơn 2 triệu con ốc hương thả nuôi được 9 tháng và 20 vạn con tôm thẻ thả nuôi được 10 ngày của gia đình ông Lê Minh Kha (thôn Tân Quý) cũng bị chết sạch sau 1 đêm ông lấy nước từ đầm Thủy Triều vào ao đìa, thiệt hại ước khoảng 420 triệu đồng. Ông Kha nói: “Chúng tôi chắc chắn nguồn nước trong đầm Thủy Triều bị ô nhiễm là do Nhà máy Đường Khánh Hòa xả ra đầm. Bởi trong ngày 13 và sáng 14-3 chúng tôi đã trực tiếp đến cống xả thải của nhà máy thì phát hiện nước thải ra có màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn nước thải này chảy vào đầm, lan dần đến khu vực ao đìa của người dân nên khi chúng tôi lấy nước từ đầm vào đìa thì tôm, ốc bị chết”.
Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, trong 2 ngày qua, không chỉ thủy sản nuôi trong đìa (tôm, cá, ốc hương) mà ở khu vực đầm gần bờ trong phạm vi hơn 1km từ Nhà máy Đường Khánh Hòa về phía bắc bị chết hàng loạt. Hiện chưa thống kê được mức độ thiệt hại.
Đâu là nguyên nhân?
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng Trạm Khuyến Công - Nông - Lâm - Ngư nghiệp huyện Cam Lâm, những ao đìa nuôi trồng thủy sản thay nước vào ngày 12 và 13-3 vừa qua bị thiệt hại khoảng 70%, phần còn lại nhiều khả năng sẽ chết hết trong vài ngày tới. UBND xã Cam Thành Bắc đã thông báo cho ngư dân không được thay nước đìa trong thời điểm này để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, nếu không thay nước hàng ngày cho đìa, thủy sản cũng sẽ bị chết.
Nước thải thoát ra ngoài, đọng trước nhà dân
Ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết, Nhà máy Đường Khánh Hòa đã nhiều lần xả thải ra đầm Thủy Triều làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đặt một trạm quan trắc tại khu vực này để quản lý. Khi nào nhà máy xả thải vượt quy định thì trạm sẽ báo về cho sở. Năm 2016, nhà máy này đã xả thải làm chết thủy sản của người dân, sau khi xác định nguyên nhân là do đơn vị này xả thải, cơ quan chức năng buộc phải bồi thường nhưng đến nay vẫn còn 2 trường hợp chưa được bồi thường.
Sáng 13-3, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu nước để xét nghiệm. Đến sáng 14-3, cá ở khu vực trên lại tiếp tục chết trên diện rộng, nên các cơ quan chức năng tiếp tục đến hiện trường và có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà máy Đường Khánh Hòa vào chiều cùng ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, nhà máy đường cho rằng nguyên nhân nước thải tràn ra đầm là do hệ thống hồ xử lý bị đầy và cam kết sẽ khắc phục trong vòng 10 ngày.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Đỗ Thanh Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa cho biết: Tôi đang đi công tác xa, nhưng cũng đã được báo cáo về sự cố hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Nguyên nhân là do công nhân vận hành hệ thống xử lý nước thải thiếu kinh nghiệm nên đã để bao tải chắn bít nước cống dẫn vào hồ xử lý khiến nước tràn ra ngoài. Tuy nhiên, lượng nước thoát ra ngoài chỉ khoảng vài trăm mét khối và thành phần chủ yếu là bột mật mía chứ không nguy hại gì. Hiện nay, chúng tôi đã khắc phục sự cố này và nếu đó là nguyên nhân khiến thủy sản chết, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm.
Nhóm phóng viên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.