• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vực dậy nghề nuôi tôm ở Nam Trung Bộ

Nguồn tin: Nhân Dân, 16/03/2017
Ngày cập nhật: 17/3/2017

* Xưởng sản xuất tôm giống của Công ty cổ phần Thủy sản Việt - Úc Bình Định.

Khoảng năm 2000, ở Nam Trung Bộ có không ít người giàu lên nhờ nuôi tôm. Nhưng không lâu sau đó, người nuôi tôm nhanh chóng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thậm chí ở nhiều vùng tôm đã xuất hiện điệp khúc "con tôm ôm nợ"...

Bài 1 Phát triển chưa bền vững

Nghề nuôi tôm khu vực ven biển Nam Trung Bộ được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng, góp phần đáng kể vào tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Song, hiệu quả trên thực tiễn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất này.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Hàng chục năm qua, nghề nuôi tôm đã tạo việc làm, đem lại thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng ven biển Nam Trung Bộ, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào sản lượng xuất khẩu thủy sản cả nước. Thời điểm phong trào lên cao, khoảng năm 2000, các tỉnh Nam Trung Bộ có tới hàng chục nghìn héc-ta ao đìa nuôi tôm sú xuất khẩu. Dẫn đầu là Khánh Hòa gần 5.000 ha, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... mỗi tỉnh có từ 2.000 đến 2.500 ha. Khi ấy, ở miền cát trắng Nam Trung Bộ, có không ít tỷ phú. Họ dung dị, cần mẫn ngày đêm trên những đìa tôm.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Hầu hết khu vực nuôi mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng khiến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh liên miên, người nuôi tôm điêu đứng. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả. Làng tôm xơ xác. Nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ bị cầm cố ở ngân hàng. Điệp khúc “con tôm ôm nợ” nghe xót xa, trên những cánh đồng tôm một thời trù phú.

Trước đây, tỉnh Khánh Hòa được coi là cái nôi sản xuất tôm giống của cả nước, chủ yếu sản xuất tôm sú giống với thị trường trọng điểm là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một trong những lợi thế lớn là ở đây có hai cơ sở thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III được phép nuôi gia hóa đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ F1 - VN phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhưng, những năm gần đây, Khánh Hòa không còn giữ được ngôi vị đầu bảng. Số lượng trại sản xuất giảm khiến sản lượng tôm giống của Khánh Hòa giảm mạnh. Nguyên nhân do một lượng lớn trại sản xuất giống bị giải tỏa vì nằm trong quy hoạch, không có điều kiện khôi phục, cho nên phải chuyển đổi ngành nghề.

Tương tự, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành thế mạnh chủ lực của tỉnh Phú Yên từ những năm 1990. Đến nay, diện tích nuôi đã lên đến hơn 2.000 ha, tập trung ở bốn vùng quy hoạch trọng điểm gồm hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa 900 ha; đầm Ô Loan, huyện Tuy An 400 ha; vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu 700 ha, còn lại là các vùng nuôi tôm ở cửa sông và trên cát. Nuôi tôm thẻ đã mang lại cho người dân nguồn thu nhập cao, mỗi hộ thu hơn 1 tỷ đồng/năm là chuyện thường.

* Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn cho biết, thu nhập từ một vụ tôm thẻ thắng lợi có thể bằng hoặc cao hơn một chu kỳ sản xuất muối trong năm. Vì vậy, chính quyền địa phương rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Tôm thẻ chân trắng một năm nuôi hai vụ; năm 2012, sản lượng đạt hơn 8.000 tấn/ha/năm, nhưng mấy năm gần đây, giảm xuống còn 6.000 tấn/ha/năm, do hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư bài bản, nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng con giống không bảo đảm.

Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Châu Á (tỉnh Ninh Thuận) Phạm Bá Châu cho hay, từ năm 2017 thị trường có những dấu hiệu rất lạ. Thông thường từ giữa tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, nhu cầu mua tôm giống tăng cao, cho nên hầu hết cơ sở tôm giống hoạt động hết công suất mới đáp ứng đủ. Nhưng trong những tháng đầu năm 2017, nhu cầu tôm giống xuống thấp, giá bán giảm, lưu thông chậm... khiến nhiều cơ sở sản xuất giống phải xuất bán theo dạng “hàng chợ”, lời lãi không đáng kể, hiệu quả kinh tế thấp.

Con tôm ôm nợ

Tiềm năng lớn, nhưng hiệu quả còn bấp bênh, phát triển chưa thật sự bền vững là đánh giá chung của nhiều chuyên gia kinh tế về nghề nuôi tôm hiện nay ở khu vực Nam Trung Bộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên, một nguyên nhân khiến việc nuôi tôm thương phẩm, sản xuất tôm giống tại địa phương thời gian qua chậm phát triển là do người dân nuôi tự phát ồ ạt, phá vỡ quy hoạch chiến lược. Mặt khác, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có tới năm vùng nuôi tôm thương phẩm, gồm huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang, huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh. Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý cho biết, toàn huyện có 910 ha mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.518 tấn, bằng 117,27%, trong đó có 1.417 tấn tôm thẻ chân trắng, giảm 72 tấn so năm 2015. Trước kia, Vạn Ninh dẫn đầu tỉnh về nuôi tôm thương phẩm. Nay, cả diện tích lẫn sản lượng tôm thương phẩm của huyện đều giảm. Có điểm đáng lưu ý là trước kia Vạn Ninh chủ yếu nuôi tôm sú, đến nay, hầu hết diện tích nuôi đã chuyển sang tôm thẻ chân trắng.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, hằng năm nông dân địa phương sử dụng hơn 2.000 ha mặt nước để nuôi tôm theo các phương pháp thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi còn yếu kém; nhiều nơi sử dụng chung kênh mương dẫn nước với sản xuất lúa, cho nên ô nhiễm từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã làm ảnh hưởng xấu đến nuôi tôm. Người nuôi chưa tuân thủ lịch thời vụ; không cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật; mua tôm giống không truy xuất nguồn gốc; mật độ thả nuôi quá dày..., khiến dịch bệnh thường xuyên phát sinh. Bởi vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các giải pháp kỹ thuật khắc phục những hạn chế kể trên là rất cấp thiết.

Thời gian qua, tại Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân nhờ nuôi tôm. Nhưng gần chục năm trở lại đây, chuyện nuôi tôm trên cát ở Ninh Thuận hầu như chỉ dành cho những gia đình đã có nhiều năm gắn bó với nghề, nắm bắt tốt quá trình sinh trưởng của con tôm; có đủ điều kiện về vốn để đầu tư công nghệ nuôi. Hiện tại, ở nhiều vùng nuôi của Ninh Thuận đang diễn ra tình trạng người dân cho thuê hàng trăm héc-ta đìa tôm, do hầu hết nông dân không đủ điều kiện đầu tư công nghệ, dễ bị thiệt hại nặng khi tôm bị dịch bệnh.

Anh Ngọc Phương, ở TP Phan Rang - Tháp Chàm đến xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) thuê đất làm đìa nuôi tôm đã hơn 5 năm nay cho biết, phải đầu tư mạnh cho công nghệ mới có thể bảo đảm giảm rủi ro, thiệt hại. Nếu thiếu kiến thức, kinh nghiệm và vốn đầu tư công nghệ thì không nên nuôi tôm, vì hiện tại, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, chỉ cần thiếu công nghệ để xử lý nguồn nước hay một số dược phẩm đặc trị bệnh trên con tôm thì có thể sau một đêm, người nuôi lỗ vài trăm triệu đồng. Do đó, người dân giảm dần diện tích thả nuôi.

Anh Phạm Duy Linh, ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, có 2,3 ha nuôi tôm cho biết, năng suất vụ cuối năm 2016 thấp, chất lượng tôm thương phẩm không đạt, giá bán không cao, cho nên quanh vùng có nhiều người phải ngừng nuôi. Ngoài ra, năng lực chế biến tôm xuất khẩu tại Ninh Thuận chưa phát triển, "đầu ra" bó hẹp, người nuôi tôm ở đây bị thương lái ép giá khi thu hoạch.

Hoàn cảnh anh Mười Sửu ở xã Phước Dinh hiện rất khó khăn. Từ chỗ chuyên cung ứng thức ăn cho các hộ nuôi tôm trong xã, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nay anh phải ngừng kinh doanh. Anh Mười Sửu nói: “Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào cơ sở kinh doanh thức ăn tôm, giờ mất hết rồi. Mọi sinh hoạt trong nhà chỉ còn biết trông cậy vào tiền lương hưu hằng tháng, thiếu thốn trăm bề. Nhưng, tôi biết làm gì hơn khi hàng chục con nợ ôm số tiền lớn đã bỏ làng đi biệt tăm biệt tích”.

HÙNG KẾ và TRUNG NGUYÊN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang