Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 21/03/2017
Ngày cập nhật:
22/3/2017
Từ đầu tháng 3 đến nay, các vùng nuôi tôm hùm lồng ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) có hiện tượng tôm bị chết, tuy nhiên nặng nhất là khu vực nuôi thuộc phường Cam Phúc Nam. Mỗi ngày người nuôi nơi đây liên tục vớt tôm chết với đủ kích cỡ khác nhau. Hiện tỷ lệ tôm hùm chết ở khu vực này chiếm khoảng 15% - 20%.
Thiệt hại nặng
Từ 10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tổ dân phố Phúc Thủy, phường Cam Phúc Nam, lúc này nhiều người nuôi tôm hùm cũng từ biển trở về bờ. Cầm trên tay những con tôm hùm bị chết với đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn, ai cũng buồn so, lo lắng.
Tôm hùm nuôi ở phường Cam Phúc Nam liên tục bị chết
Theo người nuôi, tôm hùm bắt đầu chết rải rác từ cuối năm ngoái, tuy nhiên bùng phát mạnh từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày bà con liên tục vớt tôm chết, hộ thiệt hại ít từ 1 - 2 triệu, hộ nhiều từ 6 - 7 triệu/ngày. Trong khi đó tình trạng tôm chết vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Biểu hiện tôm chết là bỏ ăn, các đốt ở phần bụng chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục.
Cũng theo người nuôi, tôm vừa mới chết có trọng lượng từ 100 gam trở lên sẽ được vớt lên bán cho thương lái với giá rẻ như bèo. Cụ thể, tôm có trọng lượng từ 100 gam có giá 100.000 đ/kg; từ trọng lượng 150 - 500 gam có giá 250.000 - 350.000 đ/kg; trên 500 gam có giá từ 500.000 - 600.000 đ/kg. “Với giá bán trên chẳng thấm tháp vào đâu bởi tiền bà con đầu tư nuôi tôm hùm rất lớn.
Tuy nhiên thời điểm này hầu như tôm nuôi vừa mới thả được 2 - 3 tháng, có trọng lượng nhỏ, nên sau khi bị chết bà con vớt lên cũng chẳng tha thiết để bán, trừ những tôm có kích thước to bằng ngón chân cái. Như gia đình tôi, vụ này thả 2.200 con, trong đó 200 con tôm hùm sao (giá 430.000đ/con) và 1.000 con tôm hùm xanh (giá 48.000 đ/con). Do tôm vừa mới thả, kích thước nhỏ nên sau khi chết gia đình thu gom rồi vứt bỏ. Tính đến nay tôm nuôi của gia đình bị chết gần 700 con, ước thiệt hại gần 100 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Chung, một người nuôi tôm ở tổ dân phố Phúc Thủy cho biết.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thành Thời, người cùng tổ dân phố đã nuôi tôm hùm có kinh nghiệm lâu năm, nhưng cũng không tránh khỏi tôm nuôi bị chết.
Ông Thời cho biết, hầu như ngày nào các bè nuôi đều vớt tôm chết
Theo ông Thời, không biết nguồn nước ô nhiễm hay vì nguyên nhân gì mà gia đình ông nuôi tôm liên tục thua lỗ. Trước đó, vụ nuôi năm ngoái ông thả gần 500 tôm sao và 1.200 tôm xanh, gần đến ngày thu hoạch đành bán tháo với giá thấp do tôm liên tục bị chết, thiệt hại hơn 250 triệu đồng. Sau khi tôm bán xong, cuối tháng 12 ông bắt đầu thả lại khoảng 2.000 tôm xanh, nhưng từ cuối tháng 2 đến nay ngày nào ông cũng vớt tôm chết.
“Hiện tôm nuôi đã lớn bằng ngón tay cái, liên tục bị chết tôi rất xót ruột. Có ngày tôi vớt 2 - 3 con chết, có ngày vớt 4 - 5 con, thậm chí còn hơn nữa. Do tôm chết nhiều quá, nên tôi cũng không biết số lượng còn lại là bao nhiêu. Chắc chắn vụ nuôi này sẽ thua lỗ”, ông Thời than vãn.
Tương tự, tổ dân phố Phúc Ninh, nhiều người nuôi cũng thiệt hại do tôm liên tục bị chết. Tại những nơi tiếp giáp với biển, thuận lợi cho việc mua bán, các thương lái túc trực thu mua tôm chết cho người nuôi. Chị Đỗ Thị Ngọc Hà, một thương lái thu mua cho biết, hiện trong phường có khoảng 4 - 5 điểm thu mua tôm chết. Riêng điểm thu mua của chị tại tổ dân phố Phúc Thủy, có ngày thu mua từ 15 - 20 kg tôm chết với đủ kích cỡ.
Một thương lái thu gom hàng tôm chết cho người nuôi
Theo UBND phường Cam Phúc Nam, toàn phường có khoảng 350 hộ nuôi tôm hùm với hơn 2.400 lồng. Hiện nay, tỷ lệ tôm hùm chết ở khu vực này chiếm khoảng 15% - 20%. Bà Nguyễn Thị Bạc, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết, mọi năm vùng nuôi tôm hùm của phường đều có hiện tượng tôm chết nhưng số lượng không nhiều, năm nay gia tăng đột biến.
Đâu là nguyên nhân?
Về nguyên nhân tôm chết, theo người nuôi, có thể do gần đây nhiều tàu thuyền nạo vét luồng lạch ở vịnh Cam Ranh hút cát và thải nước bùn khiến nguồn nước nuôi của các hộ dân quanh đó bị ảnh hưởng.
Do tôm chết, các bè nuôi được kéo vào bờ vứt ngổn ngang
Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, qua kiểm tra lấy mẫu, dấu hiệu bệnh lý của tôm trước khi chết: tôm giảm ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động yếu, các đốt bụng chuyển màu từ trắng trong sang trắng đục, dịch tiết màu trắng sữa, tôm mềm, cơ thịt nhão và có mùi hôi. Đây là các dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của bệnh sữa trên tôm hùm.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, người nuôi cần giữ gìn vệ sinh môi trường biển vùng nuôi, thực hiện chế độ vệ sinh định kỳ lưới lồng nhằm tạo thông thoáng cho dòng chảy lưu thông qua lồng, tránh thiếu oxy cục bộ, lồng bẩn là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi.
Bên cạnh đó, người nuôi nên lựa chọn thức ăn cho tôm đảm bảo hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm các loại thức ăn bổ sung, vitamin C và men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc phác đồ phòng, trị bệnh sữa trên tôm hùm theo phụ lục V, thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT nếu thấy các dấu hiệu của bệnh sữa như mô tả ở trên.
Người nuôi Cam Phúc Nam từ biển trở về bờ đều mang theo tôm chết
Kim Sơ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.