Nguồn tin: Nhân Dân, 22/03/2017
Ngày cập nhật:
24/3/2017
Nhờ mô hình nuôi ấu trùng Artemia kết hợp sản xuất muối trên cùng diện tích, hộ anh Lê Văn Tư ở Ninh Thuận tăng thêm thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng. |
Hơn ba năm qua, nhiều trại sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận hoạt động trở lại, cho nên nhu cầu dùng ấu trùng Artemia (loài bào xác nhỏ bé) làm thức ăn tươi sống cho con tôm giống ngày càng cao. Do đó, nhiều diêm dân ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã tự mở ra cho mình cách làm tăng giá trị kinh tế trên những ruộng muối bằng mô hình nuôi ấu trùng Artemia kết hợp sản xuất muối. Nhờ đó, bà con đã tăng thêm thu nhập đáng kể, đời sống được cải thiện và nâng cao hơn.
Khai thác hết diện tích
Hằng năm, diêm dân ở Ninh Thuận bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 của năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì kết thúc niên vụ vào tháng 9. Theo phương thức sản xuất truyền thống, cứ 1 ha (10.000 m2) làm muối nền đất, diêm dân phải dành khoảng ba sào (3.000 m2) để làm hệ thống ao chứa liên thông, mỗi ao rộng từ 500 m2 đến 1 sào, sâu 40 cm dùng để chứa nước biển ban đầu có độ mặn nhẹ được bơm từ biển vào để phơi lộ thiên (hay còn gọi là giang nắng) khoảng 10 ngày cho nước biển ở ao chứa ban đầu bốc hơi và kết được độ mặn tăng dần từ 5 đến 8 độ muối, diêm dân tiếp tục dẫn nước kết ấy qua từng ao chứa kế tiếp cho đến ao chứa cuối cùng có độ mặn tăng lên 15 độ muối và cao hơn, thì mới dẫn nước ót này vào bảy sào ruộng để kết tinh muối. Sau đó, giang nắng thêm bảy ngày thì thu hoạch muối.
Gần đây, trong quá trình đợi nước biển trong ao chứa bốc hơi và có được độ mặn từ 5 đến 8 độ muối, diêm dân đã sáng tạo ra hình thức sản xuất kết hợp là tận dụng độ ấm thích hợp này thả trứng ấu trùng Artemia để nuôi và đã tăng thêm thu nhập đáng kể cùng với thu nhập muối trên cùng diện tích sản xuất. Như vậy, nếu trước đây, cứ 1 ha ruộng muối, diêm dân phải dành ra ba sào chỉ để làm hệ thống ao chứa, thì giờ đây, diêm dân có điều kiện tận dụng cả ba sào đó thả nuôi ấu trùng Atermia để tăng thêm thu nhập.
Anh Lê Văn Tư ở thôn Phương Cựu 2, xã Phương Hải, được coi là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình sản xuất muối kết hợp nuôi ấu trùng Artemiam, cho biết: Trong diện tích là sáu sào, diện tích ô kết tinh muối là 4,5 sào, còn 1,5 sào, tui thả nuôi ấu trùng Artemia. Ban đầu, làm sạch ao chứa nước biển. Tiếp đó, mua trứng Artemia về cho vào xô nhựa hoặc thùng phuy và sục khí nhân tạo khoảng vài giờ để kích thích cho trứng nhanh nở ra ấu trùng rồi mang thả xuống ao chứa nước biển có độ mặn thấp đã giang nắng trước đó khoảng ba ngày, lúc này nước trong ao đã bốc hơi, tạo độ mặn từ 2 độ tăng lên 5 đến 8 độ mặn, đủ độ ấm cho ấu trùng Artemia sống và tăng trưởng. Khoảng 25 ngày sau thì thu hoạch và cứ cách bảy ngày, vớt ấu trùng ba ngày và bán cho các trại nuôi, sản xuất tôm giống với giá từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg. Ngoài thu nhập từ muối, mỗi tháng gia đình anh tăng thêm 9 triệu đồng từ 1,5 sào nuôi ấu trùng Artemia.
Lãi nhiều hơn làm muối đất
Hiện tại, mô hình này đã giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cho nên đang được nhiều diêm dân tại Ninh Thuận nhân rộng. Lợi thế là diêm dân có thể kết hợp nuôi ấu trùng Artemia bất kỳ thời điểm nào trong mùa vụ sản xuất muối từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 năm sau, vì lượng nước biển trong hệ thống các ao chứa có độ mặn từ 5 đến 8 độ muối luôn có sẵn quanh năm, rất lý tưởng để ấu trùng Artemia phát triển trong môi trường nước ấm.
Tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải có 150 hộ dân làm nghề muối với 92 ha, nhưng đến nay, đã có hơn 30 ha ruộng muối được người dân nơi đây chuyển sang nuôi Artemia, đáp ứng nhu cầu dùng Artemia làm nguồn thức ăn tươi sống cho con tôm giống tại các trại sản xuất tôm giống rất lớn, nên đầu ra của Artemia khá ổn định với giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khá cao cho diêm dân sống ở vùng biển.
Anh Võ Thành Năng, ở thôn Phương Cựu 2 cho biết, thu nhập từ bán ấu trùng Artemia cao hơn muối rất nhiều, tuy nhiên đầu tư ban đầu không cao. Bà con chỉ mua một hộp trứng giống Artemia khô (0,5kg) khoảng 1,2 triệu đồng, sau khi hoàn thiện các khâu làm vệ sinh ao chứa và sục khí để tạo tảo và một số loài phù du khác để tạo thức ăn cho Artemia sau khi trứng nở thành con, một hộp trứng giống có thể thả nuôi trên diện tích 1,5 sào. Artemia sinh sản rất nhanh, sau khi thả trứng xuống ao nuôi từ 10-15 ngày thì ấu trùng tiếp tục đẻ trứng, 25 ngày sau trứng cho thu hoạch liên tục từ tháng 12 năm nay đến tháng 6 năm sau. Mỗi ha nuôi Artemia cho sản lượng từ 100-150 kg/vụ, thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ, lãi hơn làm muối rất nhiều.
Mở hướng phát triển cho tương lai
Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Công ty sản xuất tôm giống Nam Thành Lợi ở huyện Ninh Hải cho biết, Artemia là loài bào xác nhỏ bé du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1986, sau đó được thuần hóa và đưa vào sản xuất thương mại năm 1990. Trứng Artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống mà hiện chưa có sản phẩm thay thế. Tuy nhiên, với diện tích nuôi Artemia hiện nay, chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho các công ty sản xuất tôm giống tại tỉnh, nên địa phương cần có chiến lược để mở rộng diện tích nhiều hơn để mở hướng cho diêm dân vươn lên làm giàu.
Theo anh Hồ Ngọc Xông, Cán bộ kinh tế-kế hoạch xây dựng xã Phương Hải, mấy năm gần đây, diêm dân biết kết hợp giữa làm muối và nuôi Artemia, bà con đã thật sự tăng thêm lợi nhuận hơn 30% diện tích đồng muối của mình, không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn khai thác đủ diện tích đất do mình bỏ chi phí đầu tư. Điều đặc biệt, nếu làm muối gặp lúc trời mưa, coi như diêm dân mất trắng, nhưng nuôi ấu trùng Artemia thì mặc dù trời có mưa hay nắng, diêm dân vẫn thu được trứng để bán cho các trại nuôi tôm giống và có lãi cao hơn. Sắp tới, xã sẽ nhân rộng hơn nữa mô hình này, vì đây cũng là một mô hình đóng góp tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, thành công bước đầu của mô hình nuôi Artemia kết hợp sản xuất muối tại Ninh Thuận cho thấy sự quyết tâm, chủ động trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất của các cấp chính quyền và sự đồng thuận cao của nông dân. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản xuất để tăng thêm thu nhập cho người dân vùng biển mà còn mở ra hướng đi mới trong thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Ninh Thuận hiện có hơn 4 nghìn ha sản xuất muối, trong đó tổng diện tích làm muối nền đất của diêm dân gần 500 ha. Nếu mô hình nuôi ấu trùng Artemia kết hợp trên diện tích đất sản xuất muối được mở rộng toàn bộ, thì đời sống của diêm dân Ninh Thuận sẽ được cải thiện và nâng lên rất nhiều trong tương lai.
Nguyễn Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.