Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 22/03/2017
Ngày cập nhật:
24/3/2017
Theo kế hoạch năm 2017 sẽ có 45.000ha tôm nước lợ trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được thả nuôi. Tính đến nay, nông dân đã thả giống được gần 3.000ha. Hiện có hơn 370ha bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do các biến động từ yếu tố môi trường, làm tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp…
Hiện nay đang là mùa nắng nóng, nhưng cũng có một vài cơn mưa trái mùa làm cho nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn. Do đó, môi trường ao nuôi dễ biến động, từ đó ảnh hưởng đến việc nuôi tôm, nhất là các mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, vì các mô hình này thường có công trình ao nuôi và điều kiện quản lý hạn chế, dễ bị tác động của thời tiết. Khi có sự biến động của các yếu tố thời tiết, môi trường sẽ làm cho tôm bị sốc và giảm sức đề kháng, mầm bệnh sẽ có điều kiện xâm nhập và lây bệnh.
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh, trong tuần vừa qua (từ ngày 7-3 đến ngày 14-3), ngành đã thực hiện quan trắc môi trường tại 16 điểm nguồn nước cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng của giáp xác tự nhiên là khá cao và có tính lặp lại liên tục tại một số điểm đầu nguồn (9/16 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 11/16 mẫu dương tính với bệnh hoại tử cơ quan tạo máu).
Trước khi lấy nước vào nuôi cần xử lý ao nuôi triệt để, để phòng ngừa dịch bệnh trên tôm.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, diện tích thả nuôi sẽ tiếp tục tăng nhanh do người nuôi đang tập trung cải tạo ao để thả giống; tình trạng thiếu giống có thể xảy ra trong thời gian ngắn và giá tôm giống sẽ tăng cao. Do đó, người nuôi nên chọn mua giống ở những công ty có uy tín, có xét nghiệm và có giấy kiểm dịch, nên tránh mua tôm giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng khuyến cáo: để phòng ngừa bệnh đốm trắng, người dân khi lấy nước vào ao nuôi phải qua hệ thống ao lắng và loại bỏ hết các ký chủ trung gian; đồng thời, vét sạch bùn đáy, lấp các lỗ ở bờ ao, rải vôi, phơi khô đáy ao 15 đến 20 ngày; khi cấp nước vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp để ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá; tiến hành diệt tạp trong nước trước khi thả nuôi để diệt một số loại cá dữ và cá mang bệnh cao. Việc xét nghiệm tôm giống âm tính với virus đốm trắng trước khi thả nuôi là một trong những mắt xích quan trọng nhằm khống chế và hạn chế thiệt hại do bệnh này gây ra. Vì vậy, người dân khi mua con giống nhất thiết phải qua kiểm dịch, xét nghiệm và nên mua tại các cơ sở uy tín.
Cũng theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, đối với trường hợp những ao tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, người dân phải thực hiện các biện pháp cách ly ngay. Nếu tôm còn nhỏ, bị bệnh đã nặng, cần dùng các chất thuốc sát trùng liều cao, tiêu diệt virus trước khi thải bỏ. Khi có dấu hiệu bệnh virus đốm trắng, người nuôi cần báo ngay cho thú y viên tại địa phương hoặc cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Còn trong quá trình chăm sóc, hạn chế việc gây sốc cho tôm, bởi khi tôm bị sốc sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh này; vào những thời điểm giao mùa hoặc có hiện tượng mưa nắng thất thường, kéo dài cần phải quản lý tốt các yếu tố môi trường, khí độc và đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho tôm. Ngoài ra, sử dụng phế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi; sử dụng vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi cũng là một lựa chọn có hiệu quả. Thực hiện an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi như sử dụng lưới ngăn chim, rào ngăn động vật sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng kia hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác.
Để vụ nuôi tôm năm 2017 thành công, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng) Trần Tuấn Phong lưu ý: “Để phòng chống dịch bệnh trên tôm, bên cạnh việc thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, cảnh báo dịch bệnh trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình tỉnh và các phương tiện truyền thông đại chúng để chủ động kế hoạch sản xuất. Đồng thời, các ngành chức năng ở các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh và gửi các bản tin cảnh báo dịch bệnh tôm cho đài truyền thanh huyện, thị xã để thông báo cho người nuôi tiếp nhận thông tin”.
Tuyết Xuân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.