Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 10/01/2017
Ngày cập nhật:
11/1/2017
Những ngày này, tàu thuyền ngư dân các tỉnh miền Trung nối đuôi nhau cập cảng, mang theo hàng trăm tấn hải sản sau những chuyến mở biển đầu năm mới suôn sẻ. Tại nhiều cảng cá, đa phần tàu đánh cá đều làm ăn có lãi, báo hiệu một mùa cá thuận buồm xuôi gió.
Vui chuyến biển đầu năm
Chúng tôi có mặt tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung bộ - một ngày đầu năm, chứng kiến cảnh tàu thuyền ra vào cảng. Chiếc tàu công suất 450CV của ngư dân Đinh Văn Tuấn (phường Xương Huân, TP Nha Trang) vừa cập cảng, lập tức các đầu nậu thu mua vây quanh tàu chờ mua cá. Điều này thật lạ, bởi đa số thời điểm trong năm, mỗi khi đánh được cá, ngư dân phải nài nỉ các đầu nậu thu mua do nguồn cung nhiều, dễ bị đầu nậu chê rồi ép giá đủ bề.
Ngư dân vận chuyển cá từ tàu lên bờ
Tàu anh Tuấn ra khơi cách đây hơn 10 ngày để câu cá ngừ sọc dưa ở vùng lộng (cách bờ biển 15 hải lý) và vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Chuyến biển này anh câu được hơn 6 tấn cá ngừ sọc sưa, cá thu ngừ…. Với giá bán hiện nay khoảng 27.000 đồng mỗi ký cá, cao hơn trước đó khoảng 20%, chuyến tàu của anh có lãi hơn 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Số lãi này không phải là nhiều, nhưng điều quan trọng là chuyến biển đầu năm đã có lãi, tín hiệu một năm mới là ăn khấm khá. “Thông thường, tàu tôi đi biển từ nửa tháng đến 20 ngày, nhưng nay rút ngắn hải trình bởi anh em đã xác định chuyến biển đầu năm câu cá đã có lời nên cho tàu cập bờ, chuẩn bị đi thêm chuyến biển nữa để kịp về đón tết cổ truyền”, anh Tuấn nói.
Không chỉ những ngư dân chọn đến những ngư trường xa, đánh bắt cá lớn để mở biển đầu năm, mà ngay chính những ghe, tàu cá nhỏ vẫn có tục “mở biển”. Ông Lê Văn Quân, làng chài xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, cũng vừa có chuyến mở biển. Tàu cá của ông chỉ 450CV nên đi đánh bắt gần bờ, chủ yếu đi trong ngày. Dù vậy, tàu cá của ông vẫn bủa lưới được hơn 10kg ghẹ, thu về gần 3 triệu đồng chỉ sau một đêm. Với ông Quân, đó là chuyến biển thành công để ông hy vọng một năm may mắn.
Đối với ngư dân, chuyến biển đầu năm hay ngư dân gọi là chuyến “mở biển” có nhiều ý nghĩa với họ. Có ngư dân thì chọn cho mình chuyến mở biển vào ngày đầu Tết Nguyên đán, có người thì lấy ngày đầu năm dương lịch để đi biển. Nhưng dù chọn ngày nào thì họ vẫn có chung quan điểm, nếu chuyến biển đầu năm làm ăn có lãi thì cả năm thường xuyên may mắn. Vậy nên, đối với mỗi ngư dân, họ chọn ngày ra khơi đầu năm thật kỹ càng, theo quan niệm dân gian của từng vùng, từng dòng tộc, gia đình. Ông Nguyễn Văn Bảy, một ngư dân tại Quảng Ngãi có hơn 30 năm trong nghề đi biển cho biết: Trước đây, đa số ngư dân chọn ngày đầu xuất bến thường chọn ngày sau khi đón tết cổ truyền xong. Bởi thời điểm này hầu như đã “sạch” bão, biển trời êm đẹp nên đi biển dễ dàng. Nhưng nay, nhiều người cũng chọn ngày đầu năm tính theo dương lịch để xuất bến khi đã nhắm chắc thời điểm này không còn bão, có thể đánh được nhiều cá là cứ ra khơi.
Dân săn cá sạch tại cảng
Chị Dương Thị Huyền (TP Nha Trang) cho biết, chị đã canh tàu cập cảng mấy ngày nay để mua cá. Chị Huyền có người thân ở các tỉnh phía Bắc. Do tâm lý chỉ ăn cá có nguồn gốc rõ ràng nên người nhà hay nhờ chị mua hộ hải sản tươi sống tận cảng, rồi gửi bằng máy bay ra Bắc. Dù chi phí vận chuyển cao, nhưng cá “sạch” nên mọi người tin dùng. Còn anh Nguyễn Văn Dũng, một chủ thu mua cá ở TPHCM, cũng ra tận cảng cá Hòn Rớ để mua cá, cung ứng cho người dân thành phố. Anh tâm sự: “Tôi vốn là tài xế xe chuyên chở khách đi Nha Trang. Mỗi lần trở về thành phố, bạn bè nhờ tôi mua khá nhiều cá mang vào. Thành quen, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng nên tôi chuyển hẳn sang buôn cá. Do cá lấy có nguồn gốc rõ ràng nên bán rất nhanh, tuy nhiên, phải rất khó để mua cá thời điểm này bởi nguồn cung ít”, anh Dũng nói.
Theo anh Trần Nam Giang, Giám đốc Công ty Thủy sản Hồng Hiếu Nha Trang, công ty anh chuyên thu mua cá ngừ các loại để xuất khẩu, nhưng trong mấy ngày qua anh mua được rất ít cá do mỗi lần tàu cập bến, hàng trăm người dân giành giật mua cá trực tiếp với chủ tàu. Anh Giang cho biết: “Chỉ khi doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với chủ tàu thì mới mua được cá. Dù sản lượng đánh bắt cá ít nhưng ngư dân có lãi do giá bán cá hiện đã tăng 20-30%”.
Còn ông Đỗ Trung Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết: “Trong mấy ngày qua, bình quân có khoảng 20 tàu cá lớn nhỏ cập cảng, đa số họ đi biển đầu năm để lấy lộc. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng đa phần dân “mở biển” đầu năm đều có lãi. Do cách đây hơn 10 ngày, bão Nock-ten hình thành nên cá biển hiếm. Vậy nên, những ngày này khi tàu cập cảng, người dân và chủ nậu giành nhau mua cá”. Theo ông Hiếu, hiện nay có rất nhiều người dân ở xa tìm đến cảng để mua cá trực tiếp. Khi hỏi, một số người đến cảng mua cá cho biết, họ cần cá có nguồn gốc rõ ràng dù phải mua cá với giá cao. Do vậy, việc người dân trực tiếp đến cảng “săn” cá sạch là chuyện dễ hiểu.
KHÁNH NGÂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.