Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 29/03/2017
Ngày cập nhật:
30/3/2017
Trong những ngày qua, tình trạng tôm nuôi chết xuất hiện nhiều nơi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi khiến người nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Đây là hệ quả của việc lấn sông, xây hồ nuôi tôm tự phát, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Việc nuôi tôm tự phát ở xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng cho người nuôi
“Bức tử” dòng sông
Dòng sông Kinh dài gần 7km chảy qua các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) với chiều rộng khoảng 45 - 50m, có nơi đến 100m, nay đã bị thu hẹp chỉ còn 15 - 20m, một phần vì “lợi ích kinh tế”. Đó là việc người dân đắp đê bao, lấn sông để tạo hàng loạt các hồ nuôi tôm.
Ông Nguyễn Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) chia sẻ, phong trào nuôi tôm sú bắt đầu rộ lên từ những năm 2010. Người ta “chia 5 xẻ 7” từng khúc sông sau nhà để tận dụng nuôi tôm với tổng diện tích nuôi lên đến 50ha. Đến khi nuôi tôm không còn hiệu quả do nguồn nước ô nhiễm, tôm bị chết, hai bên dòng sông bị lấn chiếm trở thành hồ hoang, cảnh quan thơ mộng bên bờ biển Tịnh Khê cũng biến mất.
Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2013, khi con tôm thẻ chân trắng “lên ngôi”, người dân lại làm hồ tự phát với diện tích 12ha, khiến dòng sông bị “bức tử” thêm một lần nữa. Từ việc lấy nước vào hồ nuôi đến việc xả thải, các hộ nuôi tôm đều xuất phát ở sông Kinh, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, dịch bệnh bùng phát, tôm chết hàng loạt. “Sau thời điểm đó, nuôi tôm rơi vào khó khăn trầm trọng. Đến nay, diện tích nuôi tôm chỉ còn khoảng 7ha với hơn 200 hộ nuôi”, ông Cường nói.
Không chỉ vậy, ngoài diện tích còn đang nuôi tôm, số hồ bị bỏ hoang nhiều năm trơ đáy cũng không được phá dỡ để trả mặt nước lại cho sông Kinh. Việc khơi thông dòng chảy cho sông Kinh trở thành vấn đề nan giải đối với xã Tịnh Khê khi kinh phí thực hiện quá lớn.
Tại xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nơi dòng sông Trường Giang chảy qua có chiều rộng hơn 1.000m, thế nhưng hàng năm hai bên bờ sông phải “oằn mình” gánh hơn 140ha diện tích hồ nuôi tôm, kể cả hồ đang nuôi lẫn bỏ hoang. Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam, cho biết: “Từ khi con tôm đến Bình Nam, mang lại hiệu quả kinh tế, người nuôi đã ồ ạt tự phát xây đê sông, lấn dòng. Mặc dù chính quyền xã đã tiến hành đình chỉ, xử phạt, nhưng vẫn không hiệu quả. Đến khi môi trường ô nhiễm, con tôm dần chết, người nuôi bắt đầu “quay lưng” với con tôm, bỏ hoang hồ nuôi”.
Hiện tại, diện tích đang thả nuôi trên sông Trường Giang còn khoảng 45ha; trong đó, thống kê đến cuối tháng 3-2017, đã có 20ha xuất hiện dịch bệnh do môi trường nước ô nhiễm. Không chỉ tại sông Trường Giang, khu vực rừng phòng hộ ven biển của xã Bình Nam cũng bị “xẻ” làm hồ nuôi với diện tích 14ha, đến nay chỉ còn lại có 5% diện tích được giữ nuôi, các hồ bỏ hoang cũng không được trả lại mặt bằng.
Cần giải pháp quy hoạch tổng thể
Những dòng sông đang bị “bức tử” trước phong trào nuôi tôm tự phát, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, cũng khiến cho chính người nuôi tôm chịu tổn thất nặng nề. Chỉ tính riêng tại xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), từ đầu năm 2017 đến nay đã có hàng chục hộ nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Hộ ít thì vài chục triệu đồng, hộ nhiều hàng trăm triệu đồng. Trước thực trạng trên, chính quyền cùng các ngành chức năng ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có động thái khuyến cáo người dân không nên đổ xô nuôi tôm, bất chấp những nguy cơ dịch bệnh; đồng thời, xây dựng phương án thu hồi toàn bộ diện tích ao nuôi lấn dòng, nạo vét dòng sông, khơi thông luồng lạch, kết hợp chỉnh dòng.
Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Địa phương đang tiến hành phân vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chủ yếu ở bãi triều ven sông và trên đất cát ven biển; đối với các vùng nuôi nước ngọt, không đẩy mạnh nuôi tập trung. Riêng TP Quảng Ngãi, không mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, các ao đang nuôi dừng sản xuất sẽ thực hiện cải tạo, thay đổi phương thức nuôi phù hợp”.
Còn ông Ngô Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Trong quy hoạch sẽ thực hiện định hướng nuôi tôm tập trung. Các huyện, thị được quy hoạch nuôi tôm phải có bản thiết kế xây dựng chi tiết với đầy đủ cơ sở hạ tầng khu nuôi. Đồng thời, hướng đến sản xuất tôm sạch, mà điển hình là chuỗi nuôi tôm sạch đang thực hiện tại xã Tam Hòa (huyện Núi Thành)”.
Nguyễn Trang
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.