• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình tĩnh với cá tra

Nguồn tin: Báo An Giang, 30/03/2017
Ngày cập nhật: 31/3/2017

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL lên mức kỷ lục đang kéo giá cá tra giống tăng theo. Nếu người dân cứ thả nuôi ồ ạt, rất dễ rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá” bởi giá cá tra tăng mạnh hiện nay chủ yếu do nguồn cung thiếu, mới chỉ đáp ứng 50 - 60% nhu cầu doanh nghiệp (DN) chế biến.

Vừa mừng vừa lo

Vừa bán cá với giá 26.000 đồng/kg, ông Trần Văn Be (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) không giấu được sự phấn khởi: “Đây có thể xem là mức giá cao nhất mà tôi bán được sau nhiều năm theo nghề nuôi cá. Trước đây, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ bán được mức giá thế này”. Tuy nhiên, khi được hỏi về chuyện cải tạo ao cho vụ nuôi kế tiếp, ông Be không khỏi băn khoăn: “Thời điểm này, giá cá tra giống tăng gấp đôi lúc trước nhưng rất khó mua do nhiều người sau thời gian “treo ao”, thấy giá cá tăng đã quyết định nuôi trở lại. Các cơ sở ươm giống cũng ồ ạt lai tạo. Lo nhất là con giống không đạt chất lượng khiến tỷ lệ hao hụt cao, chi phí thức ăn và kháng sinh cũng tăng theo. Với nhiều khoản đầu vào tăng như vậy, giá thành sản xuất vụ tới có thể tăng thêm 1.000 đồng/kg so với vụ này. Nếu năm sau lượng cá nguyên liệu nhiều, giá rớt xuống dưới 21.000 đồng như những năm trước coi như lỗ đứt đường”.

Cá tra nguyên liệu đang có giá rất cao

Lo lắng của ông Be là có cơ sở, bởi theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra nguyên liệu tăng trong 3 tháng đầu năm 2017 do nguồn cung giảm so với trước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tăng cường hoạt động thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2017 cũng đẩy giá cá tra tăng cao. VASEP cho biết, lượng cá nguyên liệu tại ĐBSCL hiện vẫn thiếu hụt từ 40 - 50% so với nhu cầu của DN xuất khẩu. Theo lãnh đạo một DN chế biến thủy sản ở Cụm công nghiệp Mỹ Quý (TP. Long Xuyên), đơn vị vừa tham dự Hội chợ triển lãm Quốc tế thủy sản Boston 2017 (Seafood Expo North America, diễn ra từ ngày 19 đến 21-3 tại TP. Boston, Mỹ), nhiều nhà nhập khẩu lớn của Mỹ khi nắm được thông tin Việt Nam đang thiếu hụt nguyên liệu nên họ tranh thủ đàm phán ký hợp đồng. “Đa số đều mong muốn đàm phán chốt giá trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Tuy nhiên, do nguồn cá nguyên liệu khan hiếm nên các DN Việt Nam chỉ dám chốt hợp đồng trong tối đa 3 tháng” - DN này thông tin.

Cần liên kết bền vững

Ghi nhận tại hội chợ Boston cho thấy, sức hút của con cá tra Việt Nam đang rất lớn, đẩy giá mặt hàng này tăng thêm 10% so với tháng 1-2017. Cũng theo DN thủy sản ở Cụm công nghiệp Mỹ Quý, tình hình nguyên liệu những tháng tới sẽ càng thiếu hụt khi thị trường Hồng Kông và Trung Quốc bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, tăng cường nhập khẩu cá tra. Các thị trường khác như: Canada, Chile, Brazil, Mexico… đều có nhu cầu cao hơn mọi năm và giá cá tra tại các thị trường này đang đồng loạt tăng.

Những dự báo tốt đẹp về thị trường nhập khẩu là tín hiệu vui, mở ra tiềm năng lớn cho ngành cá tra, loài cá đặc hữu của vùng ĐBSCL. Nếu vẫn duy trì được giá bán như hiện nay, người nuôi cá có thể kỳ vọng “lấy lại những gì đã mất” sau thời gian thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, đối với việc thả nuôi mới cần có quy hoạch và liên kết với DN, tránh tình trạng người dân đua nhau nuôi tự phát mà không biết được đầu ra, không kiểm soát chất lượng cá nguyên liệu. Trong chuyến khảo sát và làm việc với An Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám lưu ý: “Cần kiểm tra lại thực tế, không để người dân thả nuôi ồ ạt khi thấy giá cá tra tăng. Đồng thời, tập trung vào khâu con giống cá tra, đảm bảo chất lượng con giống để giảm giá thành nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Là một người có nhiều kinh nghiệm với con cá tra, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội thủy sản Châu Phú, từng chứng kiến cảnh phong trào nuôi cá tra phát triển tràn lan, không chỉ ở những vùng đầu nguồn có lợi thế như An Giang, Đồng Tháp mà mở rộng xuống cả Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang… khiến hàng loạt nhà máy mọc lên rồi đóng cửa, rất nhiều nông dân từ “đại gia” thành “con nợ”. “Cá tra chính là lợi thế “trời cho” vùng ĐBSCL mà những quốc gia khác, dù rất “thèm” cũng không nuôi được. Để phát huy lợi thế độc quyền này, Nhà nước cần hỗ trợ hình thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới chuyên nuôi cá tra theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Khi đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, đại diện HTX dễ đàm phán với DN. Về phía DN, có thể ký trước các hợp đồng xuất khẩu với giá ổn định, lâu dài rồi đặt hàng HTX sản xuất. Nếu cứ để tình trạng cá nguyên liệu khan hiếm thì DN tranh mua, khi cá nhiều lại ép giá thì nghề nuôi cá tra cứ mãi rối rắm, khó phát triển được” - ông Nguyên đề xuất.

Hoàng Xuân

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang