Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 30/03/2017
Ngày cập nhật:
31/3/2017
Sau khi Thủ tướng Chính phủ “tuyên chiến” với nạn bơm tạp chất vào con tôm, nhiều địa phương thuộc vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm trị dứt điểm thực trạng nhức nhối này.
Bà Hà Thị Kiều, chủ cơ sở thu mua tôm sú nguyên liệu tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai), ký biên bản do đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu lập về hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu - Ảnh: Trần Nguyên
Không chỉ tổ chức nhiều đoàn liên ngành liên tục kiểm tra đột xuất, bắt quả tang nạn vận chuyển, bơm chích tạp chất vào tôm, các địa phương này cũng lên kế hoạch phối hợp liên tỉnh để dồn lực diệt tận gốc việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển tôm có bơm tạp chất, thực hiện mục tiêu đến năm 2018 phải chấm dứt vấn nạn này như chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện
Khoảng 15h ngày 28-3, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu bất ngờ ập vào một cơ sở thu mua tôm sú nguyên liệu tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) do bà Hà Thị Kiều (47 tuổi) làm chủ, phát hiện có gần 20 công nhân đang có hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Lấy mẫu kiểm tra ngay tại chỗ bằng phương pháp test nhanh hóa học, lực lượng chức năng xác định có khoảng 55kg tôm có chứa tạp chất agar (còn gọi là rau câu).
Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ số tôm sú trên và các tang vật có liên quan nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, khoảng 19h ngày 27-3, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hòa Bình, thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra đột xuất xe tải do ông Lê Hoàng Luyến (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) điều khiển, phát hiện trên xe chở 16 thùng tôm sú trọng lượng 426kg nghi có bơm chích tạp chất.
Lấy mẫu kiểm tra bằng phương pháp test nhanh, lực lượng chức năng xác định 16 thùng tôm trên có chứa tạp chất agar, trước sự chứng kiến của chủ lô hàng là bà Lê Ngọc Thúy (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai).
Theo tài xế Luyến, số tôm sú trên được chở từ thị xã Giá Rai lên TP Bạc Liêu tiêu thụ. Đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số tôm sú trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hà Văn Buôl - chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đây là hai trong số hàng chục vụ tôm sú có bơm tạp chất được các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện và xử lý trong hai tháng gần đây.
Tương tự, ông Võ Thành Tiếm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Cà Mau - cũng cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện 7 vụ với gần 2,5 tấn tôm có chứa tạp chất, các đối tượng vi phạm đã bị xử phạt hành chính và tịch thu tang vật.
Lấy mẫu kiểm tra ngay tại chỗ bằng phương pháp test nhanh hóa học tìm tạp chất trong tôm tại cơ sở thu mua tôm sú nguyên liệu tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) - Ảnh: Trần Nguyên
Kiểm soát từ cấp xã
Trao đổi với chúng tôi, ông Buôl cho biết hoạt động kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm đang được Bạc Liêu vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là sau khi khi chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn.
Trong đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm và 100% cơ sở thu mua, chế biến tôm trên địa bàn ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vào năm 2018.
Để thực hiện đề án này, Bạc Liêu yêu cầu chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh đều tham gia các đoàn liên ngành, tập trung kiểm tra hai địa bàn “nóng” của nạn bơm chích tạp chất là thị xã Giá Rai và huyện Phước Long.
Theo ông Võ Thành Tiếm, tại Cà Mau hiện đang tồn tại nhiều cơ sở thu mua tôm quy mô nhỏ, không đăng ký kinh doanh nên cấp tỉnh không thể “thò tay” xuống quản lý, trong khi các thương lái thường chê các cơ sở nhỏ hoặc người dân địa phương bơm tạp chất cho con tôm rồi đưa đi tiêu thụ.
Do đó, vai trò của chính quyền cấp xã và huyện cần phải được đề cao trong hoạt động kiểm tra, ngăn chặn nạn bơm tạp chất vào con tôm.
“Ngoài các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, chính quyền xã và huyện cũng phải vào cuộc quyết liệt mới triệt tận gốc được vấn nạn này” - ông Tiếm khẳng định.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Chiến - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng - cho biết ngoài việc mạnh tay xử lý nạn bơm tạp chất vào tôm, địa phương này đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa bàn có diện tích nuôi tôm lớn là huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu, nhằm đảm bảo những người đang làm nghề thu mua, sơ chế tôm nhận thức được tác hại, hậu quả của việc bơm tạp chất vào tôm, đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi tất cả.
“Một khi tôm xuất khẩu bị phát hiện có tạp chất, bị trả về, không nhập hàng nữa, không chỉ doanh nghiệp mà người nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề do giá tôm giảm mạnh” - ông Chiến nói.
Phối hợp liên tỉnh
Ông Phan Thanh Liêm - chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu dự kiến lên kế hoạch phối hợp liên tỉnh để cùng thực hiện việc xử lý triệt để vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm, do tỉnh Bạc Liêu “chủ xị”.
Theo ông Liêm, sự phối hợp này là cần thiết bởi các thương lái thu mua tôm nguyên liệu thủy sản mở rộng tầm hoạt động qua nhiều địa phương khác nhau.
Trong tháng 4-2017, các địa phương này dự kiến ký kết hợp tác xử lý nạn bơm tạp chất vào tôm, trong đó chủ yếu là việc phối hợp xử lý tại các địa bàn giáp ranh.
“Chúng tôi hi vọng sau khi có kế hoạch liên tỉnh tình hình sẽ được cải thiện, nguồn kinh phí sẽ được cấp đủ hơn, tốt nhất là các đơn vị chức năng nên chủ động về nguồn kinh phí” - ông Liêm nói.
Theo ông Phan Thanh Chiến, sau khi truy xuất nguồn gốc con tôm trong các vụ vận chuyển tôm có chứa tạp chất bị bắt giữ trước đó, cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhiều lô tôm nguyên liệu được một cơ sở thu mua ở Bạc Liêu vận chuyển lên các chợ của TP.HCM để tiêu thụ.
“Thực tế này cho thấy việc phối hợp giữa các tỉnh trong vùng trọng điểm với nhau để dẹp bỏ triệt để tình trạng này là rất cần thiết” - ông Chiến khẳng định.
Tuy nhiên, một trong những cái khó đối với công tác kiểm tra và ngăn chặn nạn bơm tạp chất tại các địa phương hiện nay là các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe.
Chẳng hạn, với việc vận chuyển tôm có chứa tạp chất, tài xế và chủ xe chỉ bị phạt hành chính, mức xử phạt đối với hành vi bơm tạp chất vào tôm bị bắt quả tang cũng tùy số lượng.
Trong khi đó, việc kiểm tra các doanh nghiệp thu mua, chế biến vẫn chưa được thực hiện vì các nhà máy đều do các đơn vị cấp cục, bộ cấp phép, quản lý.
Theo ông Buôl, nếu không bắt quả tang mà kiểm tra sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp, trong khi cái gốc của vấn đề là nếu doanh nghiệp chế biến không mua sẽ không có thương lái nào dám bơm tạp chất vào tôm cả.
“Muốn xử lý tận gốc tôm chứa tạp chất, trước hết phải kiểm soát chặt các cơ sở chế biến cũng như các thương lái, cơ sở thu mua... Nếu phát hiện có hành vi đưa tạp chất vào tôm phải xử lý nghiêm mới trị dứt nạn bơm tạp chất” - ông Tiếm đề xuất.
Lực lượng chức năng liên ngành và Phòng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu kiểm tra đột xuất xe tải trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hòa Bình, phát hiện 16 thùng tôm sú trọng lượng 426kg nghi có bơm tạp chất - Ảnh: Trần Nguyên
Lập đường dây nóng tố giác bơm tạp chất vào tôm
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa giao Sở NN&PTNT, Công an và Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi bơm tạp chất vào tôm, đồng thời phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên website của ngành đăng tải công khai tên, địa chỉ, kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng lập đường dây nóng (điện thoại số bàn là 0793.626464 và di động là 0903.314.333) để người dân tố giác các hành vi bơm tạp chất vào con tôm, đồng thời sẽ công khai danh tính cơ sở vi phạm.
- Ông Trương Đình Hòe (tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN):
Phải trị dứt điểm
Phần lớn các tạp chất bơm vào tôm là agar (thạch), tinh bột hoặc chất tổng hợp, thậm chí có đối tượng còn cho cả tăm tre, đinh vào tôm để tăng trọng.
Khi mua phải những lô tôm này, doanh nghiệp phải mất nhiều công sức và chi phí hơn để lấy tạp chất ra.
Điều nguy hiểm là dù đã lấy tạp chất nhưng số tôm rất dễ bị nhiễm vi sinh hơn, nhiều nguy cơ lô hàng bị nhà nhập khẩu trả về.
Để diệt được tận gốc vấn nạn bơm tạp chất vào con tôm, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, biện pháp chế tài phải nặng hơn, thậm chí đóng cửa các cơ sở vi phạm chứ chỉ chạy theo xử lý từng sự vụ và chủ yếu ở khâu lưu thông sẽ rất khó.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chính quyền các địa phương đang vào cuộc quyết liệt hơn, hi vọng vấn nạn tôm có tạp chất sẽ sớm được trị dứt điểm để bảo vệ uy tín con tôm VN.
Trần Mạnh - C.Quốc - N.Hùng - K.Nam - K.Tâm - TR.Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.