• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi tôm hùm ở Sông Cầu (Phú Yên): Sớm ngăn chặn bệnh sữa bùng phát

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 30/03/2017
Ngày cập nhật: 1/4/2017

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT) kiểm tra tôm hùm bị bệnh sữa tại vùng nuôi thuộc xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) - Ảnh: Anh Ngọc

Tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu, bệnh sữa trên tôm hùm có chiều hướng bùng phát, hiện đã có hơn 1,1 triệu/1,5 triệu con bị bệnh. Đến nay, tỉ lệ tôm chết từ 10-30%, cá biệt, một số lồng nuôi có tỉ lệ chết từ 50-70% so với tổng số tôm bị bệnh. Sở NN-PTNT đã phối hợp với địa phương mời các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tập huấn, hướng dẫn cách phòng và điều trị bệnh cho tôm nuôi.

Bệnh sữa xuất hiện nhiều vùng nuôi

Theo UBND TX Sông Cầu, hiện trên địa bàn có khoảng 21.000 lồng nuôi tôm hùm với khoảng 1,5 triệu con, trong đó có khoảng 16.000 lồng nuôi tôm hùm thịt từ năm 2016 chuyển sang. Từ đầu năm đến nay, tại các vùng nuôi Xuân Cảnh, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Yên, Xuân Đài và Xuân Thành xuất hiện bệnh sữa làm cho tôm nuôi chết rải rác. Theo UBND xã Xuân Phương, đến nay xã có khoảng 437.500 con tôm hùm bị bệnh, tỉ lệ chết khoảng 25%. Còn ông Lê Văn Dẽo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh, cho biết: Đến nay, xã Xuân Cảnh có khoảng 2.500 lồng nuôi với khoảng 175.000 con tôm hùm bị bệnh, tỉ lệ tôm chết khoảng 30%. Cuối năm 2016, địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ khiến tôm nuôi chết hàng loạt, còn hiện nay thì xuất hiện bệnh sữa trên tôm làm cho nhiều hộ nuôi thiệt hại nặng. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho hay: Ở xã Xuân Thịnh đã có khoảng 371.000 con tôm hùm nuôi bị bệnh, chủ yếu là bệnh sữa và đỏ thân. Tỉ lệ tôm chết bình quân khoảng 25%, cá biệt có vùng nuôi tôm chết lên đến 40-50% tổng đàn. Khi tôm bị bệnh, người nuôi đã điều trị bằng cách trộn các loại kháng sinh cho ăn nhưng không mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Đài, Trạm Phó Trạm Chăn nuôi và thú y TX Sông Cầu, thông tin: Tính đến nay, TX Sông Cầu có khoảng 16.597 lồng với hơn 1,1 triệu con tôm hùm nuôi bị bệnh, kích cỡ tôm bệnh từ 0,2-0,7kg/con, tỉ lệ chết từ 10-30%, cá biệt một số lồng nuôi có tỉ lệ chết từ 50-70%.

Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Qua kiểm tra, các đốt ở phần bụng của tôm bệnh chuyển từ trắng trong sang trắng đục, dịch tiết của cơ thể tôm bệnh bị đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử. Theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, trên 9 mẫu tôm hùm lấy tại 3 vùng nuôi ở TX Sông Cầu cho thấy, tất cả mẫu đều bị nhiễm vi khuẩn Rickettsia-like (tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm). Nguyên nhân phát sinh bệnh là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số tôm trong một lồng nuôi. Tại thời điểm kiểm tra có từ 170-250 con/lồng nuôi đối với tôm hùm xanh và 50-60 con/lồng đối với tôm hùm bông. Mật độ nuôi dày đã làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Mặt khác, tình hình mưa lũ lớn kéo dài từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đã làm cho các vùng nuôi ở TX Sông Cầu bị ngọt hóa trong thời gian quá lâu. Ngoài ra, thời tiết thường xuyên xuất hiện các đợt không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới… đã làm môi trường vùng nuôi biến động, sức đề kháng của tôm bị suy yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, xâm nhập và gây bệnh trên tôm hùm nuôi.

Tìm giải pháp khắc phục

Ông Nguyễn Minh Phát cho biết thêm: Sau khi bệnh sữa trên tôm hùm nuôi có chiều hướng bùng phát, chi cục cử cán bộ đến các vùng nuôi để kiểm tra và hướng dẫn người nuôi đặt lồng ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m đối với nuôi lồng găm hoặc từ 4-8m đối với nuôi lồng nổi. Chi cục yêu cầu người nuôi định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới và di chuyển lồng đến nơi thông thoáng, có lưu tốc dòng chảy tốt, độ sâu thích hợp. Chi cục cũng khuyến cáo người nuôi không nuôi mật độ dày, khoảng cách giữa các lồng nuôi trong cùng một bè tối thiểu 1m, giữa các bè khoảng 50m. Người nuôi phải sử dụng thức ăn tươi cho tôm, sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho tôm ăn, bổ sung các loại vitamin C, axit amin, khoáng chất, men tiêu hóa… trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y kiểm tra tình hình dịch bệnh, xác định nguyên nhân và hướng dẫn địa phương, người nuôi thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh cho tôm nuôi. Sở đã giao Chi cục Chăn nuôi và thú y giám sát, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh cho người nuôi biết để phòng, chống có hiệu quả. Mới đây, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND TX Sông Cầu mời các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị bệnh cho tôm hùm nuôi ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tập huấn, hướng dẫn người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu cách phòng và điều trị bệnh. Sau đợt tập huấn này, người nuôi cần áp dụng đúng quy trình của các phác đồ điều trị, đồng thời phổ biến đến tất cả người nuôi để phòng và điều trị bệnh tôm hùm đạt hiệu quả. Sở NN-PTNT cũng đã đề nghị các địa phương có nuôi tôm hùm cần quy hoạch, chọn vị trí nuôi lồng bè nơi dòng chảy, độ sâu thích hợp; tuyên truyền, vận động người nuôi đúng theo quy hoạch và có biện pháp quản lý vùng nuôi, không để phát triển tràn lan, mất kiểm soát.

Theo PGS, TS Võ Văn Nha, giám đốc trung tâm quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III: Bệnh sữa trên tôm hùm nuôi có nhiều phác đồ điều trị, trong đó có thể điều trị bằng cách tiêm thuốc trực tiếp hoặc dùng thuốc trộn vào thức ăn cho tôm ăn. Tuy nhiên, phác đồ điều trị hiệu quả nhất hiện nay là dùng thuốc kháng sinh Streptomycine Sulfate - 1.000mg trong ngày đầu tiên tiêm cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng. Từ ngày thứ 2-4, dùng thuốc kháng sinh Doxycycline base 10% tiêm hoặc trộn vào thức ăn cho tôm ăn. Ngày thứ 5-7, tương tự như ngày thứ 2-4 nhưng liều lượng thuốc kháng sinh giảm đi một nửa. Nếu thấy tôm khỏi bệnh thì từ ngày thứ 8-14, tiêm hoặc trộn thuốc bổ, men vi sinh vào thức ăn cho tôm ăn.

Anh Ngọc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang