Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 01/04/2017
Ngày cập nhật:
4/4/2017
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 11.282,8 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản, trong đó ao hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản 2.009,6 ha; hồ thủy lợi tận dụng nuôi thủy sản 770,7 ha; hồ sinh thái Nà Hang 8.446,5 ha; nuôi cá ruộng 56 ha. Đây là cơ hội để người dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, nâng cao thu nhập.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Lô, đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang được Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết 41/NQ-HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, Chi cục Thủy sản tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể, trọng tâm là phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời tổ chức bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao trình độ sản xuất, đời sống vật chất của người dân.
Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản. Chi cục thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá giống mới, nuôi thâm canh gắn với bảo vệ môi trường; nuôi cá thịt theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học để giúp các hộ tăng năng suất, giá trị nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng bệnh cho thủy sản, chăm sóc đàn cá bố mẹ, đảm bảo cung ứng con giống có chất lượng cho người nuôi.
Nhiều hộ dân đã quan tâm, chú trọng hơn đến việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, phòng, chống dịch bệnh... Nhờ vậy, sản lượng thủy sản năm 2016 đạt 6.864,7 tấn, tăng 0,3% so với năm 2015.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, phong trào nuôi cá của nhân dân những năm gần đây đã hướng vào nuôi thâm canh, có đầu tư về thức ăn để đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, cũng đa dạng hóa chủng loài giống cá có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.338 lồng nuôi cá, trong đó có 401 lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao; 937 lồng nuôi các loại cá truyền thống, tập trung chủ yếu ở huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình, Hàm Yên...
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư nuôi cá quy mô lớn. Phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, phát huy lợi thế, nhất là lợi thế về nuôi các loài cá đặc sản; đẩy mạnh phát triển sản xuất cá đặc sản hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo bước đột phá trong phát triển thủy sản, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Đồng thời, để tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm chi cục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện định kỳ việc thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản trên hồ sinh thái Nà Hang và trên sông Lô, đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang.
Nguyễn Việt
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.