Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 03/04/2017
Ngày cập nhật:
5/4/2017
Nuôi trồng thủy sản được Bạc Liêu xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đột phá. Trong đó, cùng với phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, chủ động ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu. Với ý nghĩa đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có đề ra mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A từ 35.000 - 40.000ha (gọi tắt là mô hình lúa - tôm). Kể từ số báo 2836, Báo Bạc Liêu sẽ thực hiện chuyên đề: “Bạc Liêu: Nâng tầm mô hình sản xuất lúa - tôm”, qua đó làm rõ sự cần thiết, nhu cầu tất yếu phải mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm cho phát triển bền vững và đề xuất những giải pháp để mô hình lúa - tôm phát huy hiệu quả.
Bài 1: Vì sao phải nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm?
Có thể nói, cùng với quá trình chuyển đổi sản xuất từ năm 2001 ở vùng phía Bắc Quốc lộ 1A, diện tích sản xuất lúa - tôm không ngừng tăng và đến nay đã vượt con số hơn 29.460ha. Qua hơn 15 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất kết hợp trồng 1 vụ lúa và nuôi 2 vụ tôm, mô hình sản xuất lúa - tôm đã khẳng định được tính hiệu quả và được đánh giá là mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu.
Mô hình sản xuất thông minh
Đối với nhiều nông dân ở vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A hiện nay, chuyện đưa con tôm sống trên đất lúa cứ tưởng như cổ tích mà có thật giữa đời thường. Bởi so với những vùng chuyên lúa khác, nhiều nơi ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A trước năm 2000 vẫn còn là vùng đất phèn mặn, mỗi năm chỉ chờ vào mùa mưa để sản xuất 1 vụ lúa.
Nông dân huyện Phước Long cấy lúa trên đất tôm. Ảnh: L.D
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt này, nên nông dân có cố gắng lắm thì mỗi năm cũng chỉ thu được vài giạ lúa/công. Vì vậy, nhiều gia đình phải bỏ đất hoang đi nơi khác kiếm sống, vì cây lúa không nuôi sống nổi họ. Thế nhưng, từ khi đưa con tôm vào sống chung trên đất lúa thì vùng đất này như được hồi sinh và chuyện trúng tôm kiếm lãi vài ba chục triệu đồng/công không phải là chuyện hiếm. Nông dân Ngô Văn Cang (ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết: “Với 7 công đất áp dụng mô hình lúa - tôm từ năm 2001 cho đến nay, gia đình tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Mỗi năm tôi nuôi 2 vụ tôm: từ tháng 1 đến tháng 4 và từ tháng 4 đến tháng 8, sau khi thu hoạch tôm xong thì sản xuất lúa. Nếu so với trước đây chỉ làm 1 vụ lúa mùa thì đời sống nông dân bây giờ khá hơn nhiều và việc làm gần như có quanh năm, thay vì chỉ có việc làm vào 1 vụ lúa”. Hay đối với hộ của nông dân Trần Văn Hạnh (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) thì mô hình lúa - tôm không chỉ giúp gia đình ông đạt lợi nhuận 60 triệu đồng/ha/năm, mà hơn cả là tính bền vững về môi trường sản xuất và ít rủi ro do dịch bệnh.
Với những hiệu quả thiết thực mang lại làm thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ là mô hình giúp nông dân đổi đời, mà còn được mệnh danh là “mô hình sản xuất thông minh”. Bởi mô hình sản xuất này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ giúp nông dân giải quyết tốt bài toán đất phèn mặn, phá bỏ thế độc canh cây lúa, mà còn mở ra nhiều hướng đi mới cho con tôm xuất khẩu và cả cây lúa. Đó là con tôm sạch được nuôi theo quy trình sinh thái và nâng cao chất lượng hạt gạo.
Vì đây là mô hình sản xuất khép kín, luôn tương trợ và tác động tích cực với nhau, đặc biệt là không xảy ra xung đột nên các nhà khoa học gọi mô hình này là “mô hình sản xuất thông minh”. Cụ thể vào mùa khô, nông dân lấy nước từ các kênh thủy lợi vào nuôi tôm, khi mưa xuống có nước ngọt thì chuyển sang trồng lúa. Nhờ vào các chất được thải ra từ con tôm và các chất hữu cơ tạo ra từ quá trình nuôi tôm sẽ giúp cho cây lúa phát triển hơn, giúp người nông dân giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư phân bón cho cây lúa, giúp cây lúa phát triển nhanh, chắc hơn so với sử dụng phân hóa học. Đồng thời, để bảo vệ cho con tôm được nuôi sau vụ lúa, người nông dân cũng giảm tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ 70 - 80%, nhằm tránh ô nhiễm môi trường cho nuôi con tôm. Từ đó làm tăng chất lượng hạt gạo vì không sử dụng thuốc BVTV.
Trong khi đó, sau vụ lúa nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do ngập mặn, lạm dụng hóa chất. Đồng thời sẽ cắt mầm bệnh trong ao nuôi tôm, tạo môi trường ổn định và giúp cho con tôm phát triển nhanh mà không cần sử dụng các loại hóa chất khác, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và tạo ra sản phẩm sạch.
Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Với quá trình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khó lường, nhất là tình trạng xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất, đã phản ánh sự cần thiết phải chủ động xây dựng một mô hình ứng phó. Trong đó, việc phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ là yêu cầu tất yếu để đảm bảo nhu cầu dân sinh, ổn định sản xuất, mà còn là giải pháp sống chung với hạn mặn. Đồng thời, biến các khó khăn, thách thức ấy thành lợi thế và tận dụng, khai thác tốt các lợi thế ấy cho phát triển sản xuất. Bởi theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 - 30cm, thì Bạc Liêu có hơn 180.110ha bị ngập, chiếm 69,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nếu lấy ngưỡng độ mặn 4%o thì toàn tỉnh sẽ có khoảng 74,6% diện tích tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Vậy, nếu đúng như kịch bản dự đoán thì chắc chắn vùng chuyên lúa và rau màu sẽ không sống nổi và mô hình có thể tồn tại được chỉ có mô hình lúa - tôm.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng này, việc phát triển mô hình lúa - tôm đến năm 2020 đạt diện tích từ 35.000 - 40.000ha cần được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Vì năm qua, một số địa phương chưa làm tốt công tác chỉ đạo nên chưa đạt kế hoạch sản xuất lúa - tôm đề ra (như TX. Giá Rai chỉ thực hiện 545/1.453ha, đạt 37,50% kế hoạch). Theo kế hoạch, năm 2017 Bạc Liêu sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa trên đất tôm là 1.489ha và theo đó đầu tư về hạ tầng thủy lợi, khoa học - kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất...
Lư Dũng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.