Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 05/04/2017
Ngày cập nhật:
7/4/2017
Sau Hội nghị chuyên đề về ngành hàng tôm do người đứng đầu Chính phủ tổ chức tại Cà Mau vào đầu năm 2017, với quyết tâm “Xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước” cũng như thể hiện rõ quan điểm hành động của địa phương, sáng 5/4, lần đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị chuyên đề về con tôm, nhằm cụ thể hóa Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng đây là việc làm cần thiết và cấp bách, vì Cà Mau vốn có truyền thống, nhiều kinh nghiệm và điều kiện rất thuận lợi trong nuôi tôm, luôn đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Nêu lên hàng loạt lợi thế từ vị trí địa lý, cả về mối quan hệ không gian với các nước trong khu vực; điều kiện về tự nhiên mang tính đặc thù riêng biệt, cơ cấu lao động, định hướng quy hoạch phát triển, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ với con tôm sú và tôm thẻ theo nhiều hình thức, từ tôm - lúa đến tôm rừng theo hình thức quảng canh, nâng cao hơn là nuôi thâm canh, hình thành nhiều vùng nuôi siêu thâm canh với quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra một lượng lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng, nghề nuôi tôm ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn còn đó những trở ngại, nhất là việc đầu tư hạ tầng phục vụ nghề nuôi, chủ yếu là về hạ tầng thủy lợi đã qua còn rất hạn chế, manh mún. Cùng với quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt như đã qua đã dẫn đến phát sinh nhiều yếu tố gây ảnh hưởng, áp lực lên nghề nuôi, tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh, lượng con giống và thức ăn không đủ cung cấp và kiểm soát chất lượng, giá cả. Hệ thống điện phục vụ nghề nuôi thiếu đảm bảo, khả năng tài chính chưa được đáp ứng, nhất là nuôi theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh đang trên đà phát triển mạnh…
Theo dự báo, tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL đến năm 2020 từ 700 - 825 ngàn tấn, riêng Cà Mau sẽ đạt 280 ngàn tấn.
Nêu lên những dự báo tốt đẹp cho nghề nuôi tôm và con tôm Việt Nam cũng như con tôm Cà Mau nói riêng, Hội nghị đề ra mục tiêu đưa nghề nuôi tôm của tỉnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
Tổng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 của tỉnh ổn định khoảng 280.000ha. Phấn đấu năng suất nuôi tôm bình quân chung đạt khoảng từ 1.000kg/ha/năm trở lên. Sản lượng tôm nuôi đạt trên 280.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD.
Trong gian đoạn này, đáng chú ý là đưa diện tích nuôi siêu thâm canh 1.000ha, sản lượng mỗi năm đạt 22 ngàn tấn; thâm canh và bán thâm canh 12.000ha, sản lượng mỗi năm đạt 84 ngàn tấn. Đến năm 2030, tăng gấp đôi diện tích nuôi siêu thâm canh, sản lượng tăng lên 50 ngàn tấn/năm; diện tích thâm canh và bán thâm canh tăng nhẹ nhưng sản lượng nâng cao lên 130 ngàn tấn/năm. Cùng với các hình thức nuôi khác, đưa tổng sản lượng lên 415 ngàn tấn/năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khẳng định ngành tôm chiếm tỷ trọng và giá trị gần như toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp, việc tái cơ cấu ngành tôm có ý nghĩa lớn đến nền kinh tế nông nghiệp và toàn ngành kinh tế của tỉnh. Tại Hội nghị, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm, thống nhất các giải pháp, nhất là về cơ chế chính sách và cụ thể hóa các chính sách này với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược đưa ngành tôm Cà Mau phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò và góp phần quan trọng vào tỷ trọng ngành tôm quốc gia, đưa thương hiệu con tôm Việt Nam và Cà Mau nói riêng cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Hội nghị cũng đã lấy ý kiến đóng góp vào việc điều chỉnh một số ngành hàng trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 và thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện các đề án nêu trên trong năm 2017.
Thiên Trường
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.